Mối liên hệ giữa cơn đau mãn tính (chronic pain) và trầm cảm lâm sàng rất phức tạp và thực tế. Điều quan trọng cần phải hiểu là tác động của cơn đau mãn tính có thể vượt quá vấn đề thể chất, và tác động của trầm cảm có thể vượt ra ngoài vấn đề về tinh thần.
Mối quan hệ giữa hai tình trạng này mạnh mẽ đến mức trầm cảm thường là một trong những lý do đầu tiên mà các bác sĩ tìm kiếm khi chẩn đoán cơn đau mãn tính. Dù mối quan hệ này vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ, các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu thêm về nó.
Điều này có nghĩa là sự đau đớn và trầm cảm không phải là những thứ tồn tại mãi mãi. Bạn có nhiều lựa chọn để điều trị và quản lý cả hai vấn đề, bất kể là vấn đề nào đã xảy ra trước.
Trầm cảm là gì?
Vượt qua cả những cảm xúc buồn bã hay tâm trạng kém, trầm cảm lâm sàng là một trạng thái tâm lý dẫn tới sự mệt mỏi, thiếu động lực, thay đổi cảm giác ăn uống, phản ứng chậm và cảm giác vô vọng. Trầm cảm cũng có các triệu chứng về thể chất, bao gồm các cơn đau và khó ngủ.
Bạn không thể chỉ "rũ bỏ" trầm cảm lâm sàng hay "thoát khỏi nó". Đôi khi, bạn có thể chỉ ra các yếu tố trong cuộc sống gây nên hoặc góp phần vào trầm cảm, chẳng hạn như bị mất việc hoặc chia tay người yêu. Đôi khi có những nguyên nhân không xác định được, nhưng các triệu chứng ấy vẫn tồn tại.
Phần lớn, đó là vì mặc dù trầm cảm được đặc trưng bởi các triệu chứng tinh thần và cảm xúc, nó có nhiều nguyên nhân sinh lý. Chúng bao gồm rối loạn điều hòa của một số chất dẫn truyền thần kinh nhất định, là những chất hoá học mà não bộ của bạn sử dụng để gửi tín hiệu từ tế bào não này sang tế bào não khác.
Cơn đau mãn tính là gì?
Các cơn đau trở thành mãn tính khi nó liên tục diễn ra, dù là luôn luôn hay thường xuyên. Một vài định nghĩa cho rằng cơn đau trở thành mãn tính nếu kéo dài hơn ba tháng, trong khi những định nghĩa khác cho rằng sau sáu tháng.
Cũng như trầm cảm, cơn đau mãn tính đôi khi có nguyên nhân mà bạn có thể dễ dàng xác định được, chẳng hạn như bệnh viêm khớp hoặc chấn thương. Tuy nhiên, một số loại đau mãn tính không có nguyên nhân rõ ràng hoặc kéo dài bất thường sau khi tổn thương đã hồi phục.
Cơn đau mãn tính là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, với khoảng 20% người dân ở Mỹ và Châu Âu đang phải sống chung với nó.
Cơn đau mãn tính có thể đeo bám bạn, về tinh thần và thể chất. Nó có thể làm gián đoạn giấc ngủ, khiến bạn kiệt sức và tâm trạng khó chịu. Tình trạng này còn có thể khiến bạn không thể làm những công việc mà bạn yêu thích, thậm chí khiến một số người mất đi việc làm của họ.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi những người mắc các cơn đau mãn tính cũng dễ tái phát trầm cảm lâm sàng. Các nhà khoa học ước tính rằng có tới 85% những người với các cơn đau mãn tính bị ảnh hưởng bởi chứng trầm cảm nặng.
Điều đó có nghĩa không chỉ từ khía cạnh cảm xúc mà còn từ khía cạnh vật lý. Bộ não của bạn phải xử lý mọi tín hiệu cơn đau được gửi đến, và não bộ sẽ phải hoạt động quá mức do những cơn đau mãn tính này. Việc liên tục xử lý các tín hiệu của cơn đau có thể dẫn đến rối loạn điều hòa của một số chất dẫn truyền thần kinh - các chất dẫn truyền thần kinh ấy có liên quan đến trầm cảm.
Trên hết, các nhà nghiên cứu đã xác định được ít nhất sáu vùng não bộ xử lý cả tâm trạng và những cơn đau.
Trầm cảm dẫn đến các cơn đau và ngược lại?
Khi cơn đau là một triệu chứng của trầm cảm và trầm cảm cũng thường xảy ra ở người có cơn đau mãn tính, và cả hai đều liên quan đến một số vấn đề sinh lý giống nhau, vậy làm thế nào để biết cái nào tới trước? Bạn có lẽ sẽ không thể biết được, và điều này khiến cho tình hình trở nên khó khăn hơn đối với bạn và bác sĩ của bạn để phát hiện ra và chữa trị.
Đi sâu hơn vào vấn đề sinh lý học, một trong những lí do khiến cơn đau mãn tính và trầm cảm đan xen lẫn nhau là bởi cách thức hoạt động của sự căng thẳng trong cơ thể.
Khi bạn bị đau, các khu vực trong não của bạn phản ứng với sự căng thẳng sẽ được kích hoạt. Bộ não đưa cơ thể vào phản ứng chiến hay biến (fight-or-flight), làm tràn ngập hệ thống của bạn với adrenaline và trang bị để chống lại hoặc thoát khỏi bất cứ điều gì gây ra cơn đau. Thông thường, khi những cơn đau mất đi, những tín hiệu căng thẳng sẽ tắt và cơ thể bạn sẽ trở lại trạng thái thư giãn.
Tuy nhiên, khi bạn bị các cơn đau mãn tính, tín hiệu chiến hay biến này sẽ không bao giờ tắt, và hệ thần kinh luôn ở trong tình trạng cảnh giác cao. Quá nhiều sự căng thẳng mà không có thời gian nghỉ ngơi cuối cùng sẽ khiến cơ thể suy sụp.
Điều đó khiến bạn dễ bị ảnh hưởng bởi những thực tế vật lý gây ra bệnh trầm cảm lâm sàng, bao gồm cả việc không có khả năng sản xuất đủ chất dẫn truyền thần kinh và hormone căng thẳng để cơ thể có thể đối phó.
Vì vậy, nếu bạn bắt đầu bị những cơn đau mãn tính, điều đó có thể dẫn đến trầm cảm, cái làm tăng cơn đau của bạn, rồi làm trầm cảm nặng hơn và đó là một vòng xoáy sâu thẳm. Nếu bạn bắt đầu có trầm cảm, điều này có thể dẫn đến những cơn đau mãn tính, làm trầm cảm thêm tồi tệ, và làm tăng cơn đau của bạn,…
Tìm các cách để đối mặt với sự căng thẳng và những cơn đau mãn tính sẽ là một khởi đầu mới giúp bạn chống lại trầm cảm.
Bạn có thể tìm các lựa chọn điều trị, và đôi khi, một phương pháp có thể tác động được cả những cơn đau và cả trầm cảm, nhờ vào khía cạnh sinh lý chung của chúng.
Sử dụng thuốc Chống trầm cảm để điều trị Trầm cảm và Cơn đau mãn tính
Nhóm thuốc chống trầm cảm có thể được sử dụng cho cả trầm cảm và các cơn đau mãn tính. Điều này khiến cho rất nhiều người nhầm lẫn. Họ nghĩ rằng bác sĩ của họ tin rằng các cơn đau ấy là do tâm lý hay "tất cả là ở trong đầu của họ."
Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng thuốc chống trầm cảm để kiểm soát cơn đau là có cơ sở khoa học và đã được thông qua quy trình kĩ thuật tiêu chuẩn trong hơn 50 năm. Kể cả ở liều lượng thấp, những loại thuốc này gây ra những thay đổi hóa học trong não bộ (những chất dẫn truyền thần kinh này một lần nữa) làm thay đổi cách cảm nhận cơn đau và mang lại cảm giác nhẹ nhõm cho rất nhiều người. Vì vậy, ngay cả khi bạn không bị trầm cảm, bác sĩ vẫn có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm để điều trị cho cơn đau của bạn.
Những loại thuốc trầm cảm được sử dụng để điều trị các cơn đau kinh niên thuộc ba nhóm chính dưới đây:
- Tricyclics: Những loại thuốc này làm tăng số lượng của hai chất dẫn truyền thần kinh - serotonin và norepinephrine - có sẵn trong não bộ của bạn và ngăn chặn hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh thứ ba, acetylcholine. Loại Tricyclic phổ biến nhất được sử dụng cho các cơn đau mãn tính là Elavil (amitriptyline) liều thấp.
- Thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc (SSRIs): Những loại thuốc này làm tăng lượng serotonin có sẵn trong não bộ của bạn bằng cách làm chậm quá trình được gọi là tái hấp thu. Loại SSRIs thường được sử dụng để giảm đau là Celexa (citalopram), Lexapro (escitalopram), Paxil (paroxetine), and Zoloft (sertraline).
- Thuốc ức chế tái hấp thu Serotonin - Norepinephrine: Những loại thuốc này tăng lượng serotonin và norepinephrine mà não bộ của bạn có sẵn tại bất cứ thời điểm nào. Loại thuốc thường được dùng cho các cơn đau là Cymbalta (duloxetine). (Một loại thuốc tương tự được gọi là Savella (milnacipran) được sử dụng chính để điều trị cơn đau do hội chứng đau cơ xơ hóa. Thuốc này không được phê chuẩn ở Mỹ để điều trị trầm cảm, nhưng đó là công dụng chính được sử dụng trong rất nhiều quốc gia khác.)
Ngoài việc điều trị các cơn đau, việc dùng thuốc chống trầm cảm để giảm đau có thể ngăn chặn vòng lặp dẫn đến trầm cảm trước khi nó bắt đầu.
Thuốc giảm đau nhóm Opioids
Một lần nữa, mối quan hệ này hoạt động hai chiều - thuốc tạo nên để điều trị các cơn đau kinh niên cũng có thể ảnh hưởng tới trầm cảm.
Nghiên cứu về nhóm thuốc giảm đau phổ biến của opioids (còn được gọi là thuốc phiện hay thuốc gây ảo giác) cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc điều trị trầm cảm lâm sàng. Tuy nhiên, với vấn đề xã hội liên quan tới việc lạm dụng và sốc thuốc opioid, không chắc rằng những loại thuốc này sẽ được sử dụng rộng rãi cho trầm cảm.
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là một phương pháp điều trị phổ biến cho trầm cảm lâm sàng, và bạn có thể nghĩ rằng nó sẽ không hiệu quả đối với những cơn đau mãn tính không do trầm cảm trực tiếp gây ra. Tuy nhiên, một số liệu pháp tâm lý đã được chứng minh là giúp kiểm soát cơn đau mãn tính.
Một cách tiếp cận được gọi là liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) đã được chứng minh nhiều lần có thể giúp những người bị các cơn đau mãn tính thay đổi hành vi và lối sống của họ theo những cách giúp họ kiểm soát và đối phó với những cơn đau. Nó cũng có thể giúp họ bớt lo sợ và thách thức những suy nghĩ về nỗi đau của mình.
Quản lý căng thẳng
Căng thẳng có vai trò trong cả những cơn đau mãn tính và trầm cảm, vậy nên học cách quản lý nó có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn. Các phương pháp đã được chứng minh là có thể trợ giúp bao gồm:
- Thiền chánh niệm
- Hít thở sâu
- Các liệu pháp vận động, như là yoga và thái cực quyền
- Liệu pháp thôi miên
- Phương pháp mường tượng hình ảnh
LỜI KẾT
Việc đối phó với các cơn đau kinh niên và trầm cảm lâm sàng là khá khó khăn, dù là với một tình trạng hay cả hai cùng lúc. Tuy nhiên tin tốt là bạn có rất nhiều lựa chọn để thử nghiệm. Hãy phối hợp chặt chẽ với bác sĩ của bạn để được chẩn đoán và tìm ra những hướng điều trị phù hợp để bắt đầu. Điều này có thể mất khá nhiều thời gian và thử nghiệm, nhưng bạn có thể học cách quản lý những tình trạng này và cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân.
Nguồn bài: The Link Between Depression and Chronic Pain, Verywell Health
Hoàng Ly dịch.
Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.
Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:
Hình ảnh một số hoạt động của Viện Tâm Lý Việt - Pháp: