Sa sút trí tuệ và Alzheimer là những vấn đề được nhiều người tìm hiểu. Vậy, những bệnh lý này là gì? Liệu chúng có thể được chữa khỏi? Triệu chứng và các giai đoạn ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Sa Sút Trí Tuệ (Dementia) Là Gì?
Sa sút trí tuệ không thuần tuý là một căn bệnh, nó là một thuật ngữ tổng thể bao gồm một loạt các bệnh cụ thể như Alzheimer, bệnh mạch máu (vascular dementia), sa sút trí tuệ thể Lewy (DLB), sa sút trí tuệ vùng trán (FTD), trong đó bệnh Alzheimer chiếm từ 60-80% các trường hợp.
Sa sút trí tuệ thường được gọi là "lão suy" hoặc "mất trí nhớ do tuổi già". Cách gọi này phản ánh niềm tin rằng sa sút trí tuệ là một yếu tố bình thường trong quá trình lão hoá. Tuy nhiên đây là cách gọi không chính xác, làm sai lệch bản chất của bệnh.
Chứng sa sút trí tuệ là hậu quả từ những thay đổi bất thường của não và các tế bào não bị tổn thương. Tổn thương này cản trở khả năng giao tiếp của các tế bào não với nhau và giữa các vùng khác nhau của não. Khi các tế bào não của một vùng bị tổn thương, chức năng mà vùng não đó đảm nhiệm (có thể là trí nhớ, khả năng phán đoán và khả năng vận động) sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ trong bệnh Alzheimer, mức độ cao của một số protein bên trong và bên ngoài tế bào não khiến các tế bào não khó có thể khỏe mạnh và giao tiếp với nhau. Vùng não được gọi là hồi hải mã (hippocampus) - trung tâm học tập và ghi nhớ trong não - cùng các tế bào não ở vùng này thường bị tổn thương đầu tiên. Đó là lý do tại sao mất trí nhớ thường là một trong những triệu chứng sớm nhất của bệnh Alzheimer.
Hậu Quả
Chứng sa sút trí tuệ gây suy giảm khả năng tư duy, nhận thức; chúng đủ nghiêm trọng để làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và chức năng tự lập (independent function) của một người. Chúng cũng ảnh hưởng đến hành vi, cảm xúc và các mối quan hệ của họ.
Dấu Hiệu, Chẩn Đoán Và Điều Trị
Khi mắc chứng sa sút trí tuệ, con người có thể gặp các vấn đề trong việc ghi nhớ, lập kế hoạch. Không có một bài kiểm tra nào có thể xác định xem liệu ai đó có bị sa sút trí tuệ hay không. Dựa trên tiền sử bệnh, phiếu khám sức khỏe, các xét nghiệm và những thay đổi đặc trưng trong suy nghĩ, chức năng và hành vi liên quan đến từng loại, các bác sĩ có thể xác định rằng một người bị sa sút trí tuệ ở một mức độ nhất định.
Sẽ rất khó để xác định chính xác loại sa sút trí tuệ vì các triệu chứng và sự thay đổi trong não của các chứng bệnh có thể trùng lặp. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ chẩn đoán là "sa sút trí tuệ" mà không chỉ định loại.
Hầu hết các chứng bệnh sa sút trí tuệ là không chữa khỏi và tình trạng xấu đi theo thời gian, nhưng bác sĩ có thể dùng các phương pháp làm chậm tiến trình của bệnh. Ngoài ra, các vấn đề về suy nghĩ và trí nhớ do các tình trạng trầm cảm, thiếu hụt vitamin hay tác dụng phụ của thuốc gây ra có thể cải thiện khi tình trạng này được điều trị.
Tham Khảo: Khi nào bạn cần trị liệu tâm lý
Tổng Quan Về Bệnh Alzheimer
Giải Thích Về Bệnh
Bệnh Alzheimer được lấy theo tên của tiến sĩ Alois Alzheimer - người đã mô tả những thay đổi cụ thể trong não khi mắc bệnh cách đây hơn 100 năm. Các nhà khoa học bây giờ gọi những biến đổi đó là beta-amyloid (các peptit cấu tạo từ 36 đến 43 axit amin trong mảng amyloid) và mảng protein TAU (TAU tangles). Ngày nay chúng ta biết rằng bệnh Alzheimer là một bệnh về não được xác định bởi những thay đổi và tác động đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi.
Có gì sai sót trong não bộ?
Bệnh Alzheimer khiến các tế bào thần kinh chết đi, làm cho não bị mất mô liên kết (hay còn gọi là co rút mô), mất chức năng và sự giao tiếp giữa các tế bào. Những thay đổi này trong não sẽ gây ra các triệu chứng của bệnh Alzheimer như mất trí nhớ, gặp vấn đề với việc suy nghĩ, lập kế hoạch, vấn đề hành vi và trong giai đoạn cuối, chúng còn làm suy giảm nhiều chức năng hơn nữa như gây ra chứng khó nuốt.
Các Yếu Tố Nguy Cơ
Các nhà khoa học biết rằng suy tế bào là một nguyên nhân của bệnh Alzheimer nhưng họ không xác định được vì sao điều này xảy ra. Tuy nhiên, họ đã xác định được các yếu tố có nguy cơ làm tăng khả năng mắc và phát triển bệnh.
Tuổi Tác
Tuổi tác được cho là yếu tố có nguy cơ cao nhất. Sau 65 tuổi, một người có nguy cơ phát triển bệnh tăng gấp đôi sau mỗi 5 năm. Có 32% người từ 85 tuổi trở lên mắc bệnh Alzheimer.
Lịch Sử Gia Đình
Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng những người có cha, mẹ hay anh chị em mắc bệnh Alzheimer có nhiều khả năng phát triển bệnh hơn những người khác. Nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên nhiều nếu có thành viên trong gia đình mắc bệnh này.
Cấu Tạo Gen Và Di Truyền Học
Có hai loại gen ảnh hưởng đến việc một người có phát triển bệnh hay không là gen nguy cơ (risk genes) và gen xác định (deterministic genes).
Theo đó, mã gen APOE-e4 là gen nguy cơ (risk genes) đầu tiên được xác định và vẫn là gen có ảnh hưởng lớn nhất đến nguy cơ mắc bệnh. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng từ 40-65% những người được chẩn đoán Alzheimer có gen APOE-e4.
Các gen xác định (deterministic genes) trực tiếp gây ra bệnh và chắc chắn rằng bất kỳ ai thừa hưởng gen này sẽ gặp phải các rối loạn trong não. Các nhà khoa học đã tìm thấy các gen hiếm gây ra bệnh Alzheimer chỉ trong vài trăm gia đình trên toàn thế giới và những gen này được ước tính chiếm gần 1% các trường hợp mắc bệnh.
Nguy Cơ Ở Phụ Nữ
Phụ nữ sống lâu hơn nam giới khiến họ có nhiều khả năng và cơ hội phát triển bệnh Alzheimer hơn. Tuy nhiên việc sống lâu hơn không hoàn toàn là nguyên nhân giải thích được điều này. Các nhà nghiên cứu đang khám phá cách sự khác biệt về gen có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh.
Các Nguy Cơ Khác
Ngoài nguyên nhân tuổi tác, tiền sử gia đình và gen di truyền, các nhà khoa học đã nghiên cứu về các manh mối cho thấy các yếu tố nguy cơ khác. Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa chấn thương nghiêm trọng vùng đầu và tỉ lệ khả năng mắc phải Alzheimer.
Có một mối liên hệ mạnh mẽ giữa sức khỏe tim mạch và sức khỏe trí não. Nguy cơ mắc bệnh Alzheimer dường như tăng lên nếu tim mạch tổn thương bởi bệnh tim, tiểu đường, mỡ máu cao và cholesterol cao.
Tham Khảo: Có hay không nên sử dụng dịch vụ trị liệu tâm lý
Diễn Tiến Bệnh
Bệnh Alzheimer thường tiến triển chậm trong ba giai đoạn: giai đoạn đầu, giai đoạn giữa và giai đoạn cuối (hay còn gọi lần lượt là giai đoạn nhẹ, trung bình và nặng), tuy nhiên, các giai đoạn có thể trùng lặp nhau nên thường khó để phân biệt.
Các triệu chứng của bệnh Alzheimer sẽ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, nhưng vì căn bệnh này ảnh hưởng theo cách khác nhau với những người khác nhau nên tốc độ tiến triển bệnh cũng khác nhau. Trung bình, một người mắc bệnh Alzheimer có thể sống từ 4 đến 8 năm sau khi chẩn đoán, nhưng cũng có một số người sống đến 20 năm.
Giai Đoạn Đầu
Trong giai đoạn này, người bệnh vẫn có thể hoạt động độc lập nhưng những người xung quanh họ có thể bắt đầu phát hiện ra những biểu hiện khác thường. Đó có thể là:
Có vấn đề về cách dùng từ và gọi tên một thứ gì đó.
Không thể nhớ tên những người mới được giới thiệu
Gặp khó khăn trong những công việc thường ngày
Quên ngày một điều gì đó vừa đọc xong
Lạc vào những nơi quen thuộc
Ngày càng gặp rắc rối với việc tổ chức và lập kế hoạch.
Giai Đoạn Giữa
Bệnh Alzheimer ở giai đoạn giữa thường kéo dài nhất (có thể trong nhiều năm) và người bệnh sống chung với nó. Vì căn bệnh ngày càng tiến triển xấu, người bệnh sẽ cần sự giúp đỡ nhiều hơn. Các triệu chứng ở giai đoạn này bao gồm:
Quên các sự kiện hoặc thông tin của một cá nhân
Cảm thấy tức giận, thất vọng và muốn rút lui, đặc biệt là khi đối mặt với các thách thức xã hội
Lúng túng, không biết mình đang ở đâu và đây là khi nào
Thay đổi cách ngủ, ngủ vào ban ngày và lo âu vào ban đêm
Khó kiểm soát bàng quang và ruột
Tăng nguy cơ đi lang thang và đi lạc
Thay đổi hành vi và tính cách. Người bệnh có thể nghi ngờ người khác đang nói dối hoặc lặp lại hành vi của họ ngày càng nhiều
Giai Đoạn Cuối
Những thay đổi lớn về tính cách xảy ra trong giai đoạn cuối của bệnh và người bệnh cần được giúp đỡ rất nhiều trong các hoạt động cá nhân và hoạt động hàng ngày. Trong giai đoạn này, người bệnh có thể:
Mất nhận thức về những trải nghiệm gần đây cũng như môi trường xung quanh họ
Gặp khó khăn khi giao tiếp
Trải qua những thay đổi về thể chất, ảnh hưởng đến khả năng đi lại, ngồi và nuốt. Có nguy cơ cao nhiễm trùng phổi và viêm phổi
Điều Trị
Hiện tại, không có cách chữa khỏi bệnh Alzheimer, nhưng các phương pháp điều trị không dùng thuốc và dùng thuốc có thể giúp đỡ giảm các triệu chứng về suy giảm trí nhớ, tư duy và hành vi trong một thời gian.
Phương pháp điều trị không dùng thuốc cho các triệu chứng hành vi có thể mang lại sự thoải mái về thể chất và cảm xúc. Nhiều chiến lược trong phương pháp này nhằm xác định và đáp ứng các nhu cầu của người sống cùng Bệnh Alzheimer. Ví dụ như quan tâm đến sự thoải mái của bệnh nhân. Tìm kiếm và giúp họ vượt qua nỗi buồn, sự mệt mỏi, đói, khát, táo bón, nhiễm trùng và kích ứng da và luôn giữ cho môi trường xung quanh thoải mái.
Một ghi nhớ khác là đừng tranh cãi về sự thật. Ví dụ, nếu một người bệnh muốn thăm cha mẹ đã qua đời nhiều năm trước, đừng nói rằng cha mẹ họ không còn. Thay vào đó hãy nói rằng "Mẹ của bạn là một người tuyệt vời. Tôi cũng rất muốn gặp bà ấy."
Ngoài ra, khi mắc Alzheimer, người bệnh có thể được các bác sĩ khuyến khích sử dụng thuốc nhằm giảm tần suất các triệu chứng của bệnh.
Các phương pháp điều trị tạo ra các kết quả khác nhau với mỗi bệnh nhân. Chúng có thể giúp giảm các triệu chứng trong một khoảng thời gian nhất định nhưng không làm ngừng những thay đổi gây ra bởi bệnh Alzheimer theo thời gian.
Tham Khảo: Liệu pháp trị liệu tâm lý
Kết Lại
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin rõ ràng nhất về sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer, giúp các bạn có cái nhìn toàn diện và khách quan về chúng.
Nguồn: Understanding Alzheimer’s & Dementia - Alzheimer's Association