Có rất nhiều thông tin sai lệch về chứng tâm thần phân liệt, thường được lan truyền qua phim ảnh và chương trình truyền hình. Thực tế, nhiều người mắc tâm thần phân liệt sau khi được điều trị vẫn có thể quay trở lại trường học hoặc công việc, đạt được sự tự lập và tận hưởng các mối quan hệ cá nhân.
Tâm Thần Phân Liệt Là Gì?
Tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của người bệnh. Những người mắc rối loạn này thường mất kết nối với thực tế, dẫn đến nhiều đau khổ không chỉ cho bản thân họ mà còn cho gia đình và bạn bè. Các triệu chứng của tâm thần phân liệt có thể làm giảm khả năng tham gia vào các hoạt động hàng ngày, nhưng may mắn thay, hiện tại đã có những phương pháp điều trị hiệu quả. Nhiều người sau khi được điều trị có thể quay trở lại trường học hoặc công việc, đạt được sự tự lập và tận hưởng các mối quan hệ cá nhân.
Tuy nhiên, có rất nhiều thông tin sai lệch về chứng tâm thần phân liệt, thường được lan truyền qua phim ảnh và chương trình truyền hình. Đôi khi, mọi người sử dụng những khuôn mẫu sai lầm khi nói về rối loạn này, góp phần thúc đẩy sự kỳ thị và hiểu lầm đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt.
Triệu Chứng Và Chẩn Đoán
Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Ấn bản lần thứ Năm (DSM-5 TR), cá nhân có thể được chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần phân liệt nếu xuất hiện hai (hoặc nhiều hơn) các dấu hiệu sau đây, với mỗi dấu hiệu kéo dài trong khoảng thời gian 1 tháng (hoặc ít hơn nếu được điều trị thành công). Ít nhất một trong số các triệu chứng phải là (1), (2) hoặc (3):
1. Ảo tưởng (niềm tin mạnh mẽ về những điều phi lý, không đúng sự thật).
2. Ảo giác (nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, nếm thấy hoặc cảm thấy những thứ không có thật).
3. Lời nói thiếu tổ chức (ví dụ: thường xuyên nói chuyện phi logic hoặc không mạch lạc).
4. Hành vi vô tổ chức hoặc căng trương lực.
5. Các triệu chứng âm tính (ví dụ: cùn mòn cảm xúc, vô cảm, hoặc lú lẫn tâm thần).
Cần chú ý những triệu chứng kể trên không phải do tác động sinh lý của một chất (ví dụ: lạm dụng ma túy, thuốc) hoặc một tình trạng bệnh lý khác.
Phần lớn thời gian, cá nhân mắc rối loạn tâm thần phân liệt bị suy giảm chức năng một cách đáng kể ở một hoặc nhiều lĩnh vực như công việc, các mối quan hệ, khả năng tự chăm sóc bản thân (đối với trẻ em và thanh thiếu niên, trẻ sẽ không đạt được so với mong đợi trong các tương tác xã hội, học tập hoặc chức năng nghề nghiệp).
LƯU Ý: Các triệu chứng được nêu chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn nghi ngờ bản thân mắc tâm thần phân liệt, hãy tìm gặp nhà tâm lý tại các cơ sở đánh giá & điều trị tâm lý/tâm thần uy tín để có kết luận chính xác.
Điều Gì Dẫn Đến Tâm Thần Phân Liệt?
Một số yếu tố có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc tâm thần phân liệt ở một người, bao gồm:
Di truyền: Rối loạn tâm thần phân liệt có tính di truyền trong gia đình. Tuy nhiên, gen chỉ có thể làm tăng nguy cơ mắc tâm thần phân liệt mà thôi, một thành viên trong gia đình mắc rối loạn này không có nghĩa là các thành viên khác chắc chắn cũng sẽ mắc tâm thần phân liệt.
Môi trường: Sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền và các khía cạnh môi trường cũng như trải nghiệm sống, có thể đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của rối loạn tâm thần phân liệt. Những yếu tố môi trường này có thể bao gồm việc sống trong nghèo đói, môi trường căng thẳng hoặc nguy hiểm, tiếp xúc với virus hoặc gặp các vấn đề dinh dưỡng trước khi sinh.
Cấu trúc và chức năng của não: Nghiên cứu cho thấy những người bị tâm thần phân liệt có sự khác biệt về kích thước của một số vùng não nhất định. Các nhà nghiên cứu vẫn đang nỗ lực để hiểu rõ hơn cách bộ não có thể liên quan đến rối loạn tâm thần phân liệt.
>>> Tham Khảo: [Xu Hướng Ngành Tâm Lý 2024] Tâm Lý Học Đang Giúp Cải Thiện Sức Khỏe Não Bộ Và Tuổi Thọ
9 Lầm Tưởng Về Tâm Thần Phân Liệt
1. Tâm Thần Phân Liệt Tức Là Đang Mắc Rối Loạn Nhân Dạng Phân Ly DID (Đa Nhân Cách)
Đây là một trong những hiểu lầm lớn nhất về tâm thần phân liệt. Một cuộc khảo sát cho thấy 64% người Mỹ tin rằng tình trạng này liên quan đến DID, nghĩa là ai đó hành động với những nhân cách riêng biệt. Tuy nhiên, triệu chứng đặc trưng của tâm thần phân liệt là ảo giác và ảo tưởng, bao gồm việc nghe thấy giọng nói trong đầu và hành động theo những niềm tin sai lầm - điều này không giống với DID.
2. Hầu Hết Những Người Mắc Chứng Tâm Thần Phân Liệt Đều Hung Bạo Hoặc Nguy Hiểm
Trong các bộ phim và chương trình truyền hình, những kẻ sát nhân thường được mô tả là tâm thần phân liệt với những hành vi điên loạn, nhưng thực tế thì không phải như vậy. Mặc dù đôi khi những người mắc tâm thần phân liệt có thể hành động khác thường, nhưng hầu hết họ đều không bạo lực, đặc biệt là nếu họ đang trong quá trình điều trị. Ngược lại, những người mắc rối loạn này có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của bạo lực hơn. Họ cũng có khả năng cao tự làm hại bản thân hơn những người khác - tỷ lệ tự tử ở những người bị tâm thần phân liệt rất cao.
Trong trường hợp những người mắc tâm thần phân liệt thực hiện hành vi bạo lực, họ thường có nguyên nhân khác, như vấn đề về hành vi thời thơ ấu hoặc lạm dụng chất gây nghiện. Nhưng bản thân tâm thần phân liệt không khiến cá nhân hung hăng về mặt thể chất.
3. Nguyên Nhân Của Tâm Thần Phân Liệt Là Do Cha Mẹ Nuôi Dạy Con Cái Không Tốt
Cha mẹ (đặc biệt là người mẹ) thường bị đổi lỗi là nguyên nhân khiến con mắc tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến rối loạn này, bao gồm gen, chấn thương hoặc lạm dụng chất gây nghiện.
4. Nếu Một Người Có Cha Mẹ Mắc Tâm Thần Phân Liệt, Người Đó Chắc Chắn Cũng Sẽ Mắc Rối Loạn Này
Đúng là gen đóng một vai trò nhất định, tuy nhiên, nó chỉ khiến cho nguy cơ mắc tâm thần phân liệt ở người con cao hơn mà thôi. Nếu một trong hai cha mẹ mắc tâm thần phân liệt, nguy cơ mắc rối loạn này của người con là khoảng 10%. Trong trường hợp có nhiều hơn một thành viên trong gia đình mắc tâm thần phân liệt, tỷ lệ này sẽ tăng lên.
5. Những Người Mắc Tâm Thần Phân Liệt Thì Không Thông Minh
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người mắc rối loạn này gặp nhiều khó khăn hơn trong các bài kiểm tra về kỹ năng tinh thần như sự chú ý, khả năng học tập và trí nhớ. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không thông minh. Lịch sử đã cho thấy nhiều bệnh nhân tâm thần phân liệt vẫn có thể sáng tạo, các nhà khoa học thậm chí còn đang xem xét mối liên hệ giữa các gen có thể liên quan đến mối liên hệ giữa rối loạn tâm thần và khả năng sáng tạo.
6. Người Mắc Tâm Thần Phân Liệt Thì Bắt Buộc Phải Vào Bệnh Viện Tâm Thần
Thực tế, mức độ chăm sóc sẽ phụ thuộc vào tình trạng nghiêm trọng của các triệu chứng. Nhiều người mắc tâm thần phân liệt vẫn có thể sống tự lập, trong khi một số người vẫn sống với gia đình hoặc trong nhà ở hỗ trợ trong cộng đồng của họ. Điều quan trọng là phải liên lạc chặt chẽ với bác sĩ và có sự hỗ trợ tại chỗ để giúp cá nhân tiếp tục điều trị khi cần.
7. Người Mắc Tâm Thần Phân Liệt Không Thể Đi Làm
Tâm thần phân liệt có thể khiến bạn khó tìm được việc làm và đi làm mỗi ngày. Nhưng với phương pháp điều trị phù hợp, nhiều người có thể tìm được một vị trí phù hợp với kỹ năng và khả năng của họ.
8. Tâm Thần Phân Liệt Khiến Con Người Trở Nên Lười Biếng
Tâm thần phân liệt có thể khiến người bệnh gặp khó khăn hơn trong việc đáp ứng các nhu cầu hàng ngày của họ, chẳng hạn như mặc quần áo và tắm rửa. Điều này không có nghĩa là họ "lười biếng". Họ chỉ cần một số trợ giúp trong sinh hoạt hàng ngày.
9. Tâm Thần Phân Liệt Không Thể Chữa Được
Mặc dù chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh tâm thần phân liệt, nhưng việc điều trị có thể giúp cá nhân kiểm soát các triệu chứng và giảm tác động của chúng lên cuộc sống. Thuốc chống loạn thần có thể giúp cá nhân ổn định và giảm nguy cơ mắc các triệu chứng trong tương lai. Các liệu pháp tâm lý cũng là những công cụ hữu ích giúp họ có thể xử lý căng thẳng tốt hơn. Thông thường, người mắc tâm thần phân liệt cần phải được điều trị trong suốt quãng đời còn lại.
Tâm Thần Phân Liệt Được Điều Trị Như Thế Nào?
Thuốc Chống Loạn Thần
Thuốc chống loạn thần có thể giúp làm giảm các triệu chứng loạn thần và ít thường xuyên hơn. Các loại thuốc này thường được dùng hàng ngày dưới dạng viên hoặc dạng lỏng. Một số loại thuốc chống loạn thần được tiêm một hoặc hai lần một tháng.
LƯU Ý: Cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc và chỉ được dùng thuốc khi có sự tư vấn và kê đơn của bác sĩ lâm sàng.
Trị Liệu Tâm Lý
Các phương pháp trị liệu tâm lý giúp cá nhân tìm ra giải pháp cho những thách thức hàng ngày và kiểm soát các triệu chứng trong khi đi học, đi làm và xây dựng các mối quan hệ. Các liệu pháp tâm lý thường được sử dụng kết hợp cùng với thuốc chống loạn thần. Những người tham gia điều trị tâm lý thường xuyên ít có khả năng tái phát các triệu chứng hoặc phải nhập viện điều trị nội trú.
Một số liệu pháp tâm lý thường được sử dụng để điều trị tâm thần phân liệt bao gồm liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT), đào tạo kỹ năng hành vi (BST), liệu pháp điều trị nhận thức (CRT).
>>> Tham Khảo: Nguồn Gốc Của Liệu Pháp Trị Liệu Nhận Thức - Hành Vi (CBT)
Nhóm Hỗ Trợ
Các chương trình giáo dục có thể hỗ trợ gia đình và bạn bè hiểu rõ hơn về các triệu chứng của rối loạn tâm thần phân liệt, các phương pháp điều trị và các chiến lược hỗ trợ người thân mắc rối loạn này. Những chương trình này không chỉ giúp gia đình và bạn bè quản lý sự căng thẳng và đau khổ của chính họ, mà còn nâng cao kỹ năng đối phó và tăng cường khả năng hỗ trợ cho người thân yêu.
Chương Trình Chăm Sóc Đặc Biệt
Các chương trình chăm sóc chuyên khoa phối hợp (CSC) tập trung vào việc phục hồi cho những người trải qua các triệu chứng loạn thần lần đầu, giai đoạn đầu của bệnh tâm thần phân liệt. Trong chương trình, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chuyên gia làm việc cùng nhau để cung cấp liệu pháp tâm lý, thuốc men, quản lý ca bệnh, hỗ trợ việc làm và giáo dục, cũng như giáo dục và hỗ trợ gia đình. Nhóm điều trị hợp tác chặt chẽ với cá nhân bệnh nhân để đưa ra quyết định điều trị, đồng thời tích cực liên kết với các thành viên gia đình họ.
So với các phương pháp chăm sóc thông thường, CSC hiệu quả hơn trong việc giảm thiểu triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và tăng cường khả năng tham gia vào công việc hoặc học tập.
Nếu bạn cảm thấy mình đang có những triệu chứng của tâm thần phân liệt, hãy tới các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời, hoặc liên hệ Viện Tâm lý Việt - Pháp qua Hotline: 0977.729.396 để được tư vấn cụ thể. Can thiệp sớm là chìa khóa để cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Tham khảo:
[1] Tâm bệnh học. Đặng Hoàng Minh (chủ biên)
[2] Diagnostic and statistical manual of mental disorders _ DSM-5-TR.
[3] Schizophrenia. https://www.nimh.nih.gov/health/topics/schizophrenia
-----------------------------
Viện Tâm lý Việt - Pháp
Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Toà Landmark 81 & Landmark Plus, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP. HCM
Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)
Email: info@tamlyvietphap.vn