Tập huấn Giáo dục Kiến tạo trường học hạnh phúc tại trường Nguyễn Siêu
Trong tổ chức nói chung và nhà trường nói riêng, văn hóa luôn tồn tại trong mọi hoạt động của tổ chức đó. Và hơn bất cứ tổ chức nào hết trong xã hội, Nhà trường phải là tổ chức có “hàm lượng” văn hoá cao nhất; là nơi hội tụ, kết tinh văn hoá để đào tạo ra những chuẩn mực văn hoá cho xã hội.Văn hóa nhà trường là một hệ thống các giá trị, các chuẩn mực, niềm tin và hành vi của các thành viên trong nhà trường, tạo nên bản sắc riêng của trường. Các giá trị này được các thế hệ thầy và trò nhà trường xây dựng và tích lũy qua thời gian và được giáo dục cho các thế hệ giữ gìn và phát huy trong điều kiện mới.GS.TS.NGND. Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Viện trưởng Viện Tâm lý và Tâm thần học Việt - Pháp đang tập huấn cho đội ngũ giáo viên trường Nguyễn Siêu
ThS.Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng nhà trường
Các nghiên cứu cho thấy, văn hóa nhà trường có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với chất lượng cuộc sống và hoạt động của nhà trường. Văn hóa nhà trường tích cực, lành mạnh giúp tạo ra môi trường thuận lợi hỗ trợ việc dạy và học, khuyến khích giáo viên, học sinh, nỗ lực rèn luyện, học tập đạt thành tích mong đợi; văn hóa nhà trường lành mạnh giúp giảm sự không hài lòng của giáo viên, giảm thiểu hành vi cử chỉ không lịch sự của học sinh; khuyến khích mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau giữa các giáo viên; tạo bầu không khí dân chủ, thu hút được sự ủng hộ của mội thành viên để hoạch định sự phát triển của nhà trường đúng hướng…Để phát triển văn hóa nhà trường, cần xây dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở, hợp tác, cùng hỗ trợ chia sẻ lẫn nhau; mọi thành viên đều được tôn trọng, luôn được coi trọng và có cơ hội thể hiện, phát triển các khả năng của mình; xây dựng cơ chế đánh giá, khen thưởng phù hợp để thúc đẩy mọi người nỗ lực làm việc; làm cho học sinh biết là các em được yêu thương, quan tâm và chăm sóc; khuyến khích phụ huynh học sinh tham gia các hoạt động giáo dục của trường và làm cho phụ huynh hiểu rõ vai trò của họ; ban giám hiệu luôn suy nghĩ để học hỏi, đổi mới và nâng cao uy tín trong nhà trường…Văn hóa nhà trường có vai trò gắn kết các thành viên, tạo nên sự ổn định bằng cách đưa ra chuẩn mực để hướng dẫn các thành viên khác đi theo mục đích chung của tổ chức theo một cách tự giác, tự nguyện. Xây dựng văn hóa nhà trường không hoàn toàn ở việc tạo nên một giá trị văn hóa hoàn toàn mới, xây dựng đồng nghĩa là kế thừa và phát triển những giá trị tích cực phù hợp với điều kiện hoàn cảnh từng nhà trường, đồng thời cũng loại bỏ đi những giá trị tiêu cực, không phù hợp hoặc cản trở sự phát triển của nhà trường.