Những Yêu Cầu Đảm Bảo Tính Hiệu Quả Của Các Hoạt Động Tâm Lý Học Đường - Một Số Hướng Dẫn Và Gợi Ý Dành Cho Các Nhà Lãnh Đạo Trường Học Và Các Chuyên Viên Trong Việc Vận Hành Bộ Phận Tâm Lý Trong Nhà Trường

Có một số yêu cầu mà dịch vụ tâm lý học đường cần đáp ứng. Những yêu cầu này hỗ trợ các nhà tâm lý học đường cung cấp các dịch vụ hiệu quả, hướng đến bảo vệ quyền lợi của học sinh và đáp ứng sự mong đợi của nhà trường.

1. Những Quy Định Liên Quan Đến Hoạt Động Tâm Lý Học Đường

Nhà trường cần có những quy định đối với dịch vụ tâm lý học đường, ví dụ như: vai trò, vị trí công việc trong sự phối hợp với các lực lượng khác trong trường, cách thức tiếp cận các dịch vụ tâm lý và mức độ bảo mật thông tin học sinh. Các hoạt động do nhà tâm lý học đường thực hiện sẽ dựa trên rất nhiều yếu tố, có thể kế đến: nhu cầu của các nhóm học sinh, giáo viên cụ thể và/ hoặc những vai trò chuyên môn như đã thỏa thuận trong hợp đồng công việc.

Một điều cần đảm bảo đó là tất cả các thành viên trong nhà trường đều có thể dễ dàng tiếp cận những quy định, thông tin kể trên.

2. Rõ Ràng Về Quy Trình Đề Xuất/Giới Thiệu Ca

Các thủ tục giới thiệu ca có thể khác nhau giữa các trường, khu vực, tùy thuộc vào các nguồn lực và thực tiễn hoạt động. Tại Úc, việc có sự đồng ý của phụ huynh trước khi giới thiệu học sinh đến nhà tâm lý học đường tùy thuộc vào độ tuổi của học sinh và các hướng dẫn cụ thể của địa phương.

Người đề xuất nên thảo luận với chuyên viên tâm lý học đường, nhằm thống nhất và quyết định về thời điểm phù hợp cho việc tiếp nhận ca. Nếu cần sự đồng ý của phụ huynh, chuyên viên tâm lý có thể tổ chức một cuộc họp với phụ huynh hoặc người giám hộ để thu thập thêm các thông tin liên quan đến quyết định giới thiệu ca, cũng như giải thích cho họ về quy trình làm việc với học sinh. Trong mọi trường hợp, chuyên viên tâm lý cần ghi lại rõ ràng về lý do học sinh được đề xuất. Đối với tất cả những thông tin liên quan đến việc đề xuất ca, nhà tâm lý học đường cần phải duy trì và đảm bảo tính bảo mật cho thân chủ.

3. Trang Bị Đầy Đủ Các Thiết Bị, Cơ Sở Vật Chất Cho Việc Lưu Trữ Hồ Sơ Và Các Giấy Tờ Liên Quan

Một nhà tâm lý học cần có trách nhiệm tạo lập và lưu giữ các ghi chép ca như một phần thông tin của các các dịch vụ hỗ trợ tâm lý đã cung cấp, cũng như sử dụng chúng để định hướng can thiệp cho học sinh. Theo luật tại các nước phát triển, hồ sơ của thân chủ phải được lưu giữ tối thiểu 7 năm sau khi trẻ đến tuổi trưởng thành (tức là 18 tuổi cộng thêm 7 năm), trừ khi có yêu cầu pháp lý hay những hướng dẫn khác. Thậm chí, ở phía Bắc nước Úc, các hồ sơ về trẻ em bản địa phải được lưu giữ theo suốt cuộc đời đứa trẻ.

Các nhà tâm lý làm việc trong trường học phải bảo vệ quyền riêng tư và duy trì tính bảo mật của thân chủ liên quan đến việc truy cập, lưu trữ và xử lý các hồ sơ tham vấn, tùy thuộc theo các yêu cầu về mặt pháp lý của khu vực. Các hồ sơ ca được yêu cầu lưu trữ riêng biệt với tất cả các loại hồ sơ khác của trường học hoặc tổ chuyên môn. Hồ sơ ca phải được giữ trong tủ an toàn, có khóa, trong một căn phòng có khóa - thường là phòng tâm lý. Ngoài ra, các hồ sơ ca cũng có thể được bảo vệ bằng mật khẩu khi lưu trữ dưới dạng file mềm điện tử, quyền truy cập chỉ dành cho nhà tâm lý học. Các hồ sơ này có thể được chia sẻ với một nhà tâm lý học khác cũng đang làm việc trong trường chỉ khi họ có nhu cầu cần biết các thông tin phục vụ cho mục đích chuyên môn phù hợp.

4. Tiếp Cận Các Giám Sát/Tư Vấn Đồng Đẳng Và Bậc Cao

Học hỏi, tìm kiếm các tư vấn từ đồng nghiệp, hay còn gọi là giám sát đồng đẳng, một cách thường xuyên là một yêu cầu bắt buộc trong quá trình phát triển nghề nghiệp đối với tất cả các nhà tâm lý học đã được chứng nhận hành nghề hợp pháp. Việc này cũng góp phần quan trọng đảm bảo tính chất lượng của các hoạt động tâm lý học đường.

Việc kết nối và học hỏi lẫn nhau cũng góp phần nâng cao sức khỏe tâm thần của chính các nhà tâm lý học trường học; giúp tạo cơ hội thảo luận về những quy điều đạo đức trong quá trình thực hành, đặc biệt là với những người mới vào nghề. Đây cũng chính là những cơ hội tham vấn nhóm hoặc cá nhân, có nội dung tập trung chuyên sâu đến những thực hành nghề của chuyên viên tâm lý học đường; từ đó giúp họ phát triển các kỹ năng, kiến ​​thức, giúp ra quyết định phù hợp khi làm việc với những học sinh dễ bị tổn thương tâm lý, hay những thân chủ có nhiều nhu cầu phức tạp.

Khi cơ cấu nhân sự trong một trường học không cho phép nhà tâm lý thực hiện giám sát đồng đẳng trong nội bộ, các nhà lãnh đạo nên cung cấp cho họ các điều kiện tiếp cận các hoạt động, dịch vụ bên ngoài, nhằm hỗ trợ và phát triển chuyên môn. Ban lãnh đạo nhà trường nên hỗ trợ chuyên viên tâm lý thực hiện các giám sát đồng đẳng và bậc cao, nghĩa là những hoạt động này có thể diễn ra trong giờ làm việc như bình thường. Trường hợp phát sinh chi phí cho việc giám sát đồng đẳng và bậc cao, người sử dụng lao động sẽ chi trả chi phí đó.

5. Tỉ Lệ Chuyên Viên Tâm Lý Trên Số Lượng Học Sinh Trong Trường

Tại Úc, các nhà tâm lý học trường học cần có nền tảng kiến ​​thức và kỹ năng thực hành dựa trên bằng chứng trong nhiều khía cạnh:

  • Đánh giá các khó khăn về phát triển, học tập và hành vi trong cả năm học

  • Chẩn đoán khuyết tật và rối loạn, ví dụ rối loạn phổ tự kỷ

  • Chẩn đoán phân biệt

  • Xác định và tiến hành các can thiệp dựa trên bằng chứng

  • Tham vấn

  • Tư vấn cá nhân và nhóm

  • Thiết kế các chương trình giảng dạy, tập huấn, đào tạo liên quan

  • Đánh giá các chương trình và các can thiệp

  • Thiết kế và thực hiện các chương trình chuyên môn

  • Quản lý hồ sơ và phối kết hợp với các chuyên gia khác

  • Viết báo cáo cho nhiều đối tượng (ví dụ: phụ huynh, giáo viên và các chuyên gia)

  • Tư vấn tâm lý và học tập chuyên môn

Nhiều nhà tâm lý học đường cho biết họ không thể đáp ứng tất cả các vai trò kể trên. Khi làm việc tại các cơ sở trường học, họ vừa phải tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ trực tiếp, gián tiếp và cả các hoạt động trên phạm vi toàn trường. Thật khó để có thể đáp ứng đầy đủ tất cả nhu cầu của học sinh.

Một phương pháp hữu ích để hỗ trợ các nhà trường nắm bắt và quản lý được những nhu cầu này và hỗ trợ các rối loạn cảm xúc cũng như các rối loạn sức khỏe tâm thần khác trong trường học, đó là tăng tỷ lệ chuyên viên tâm lý trên số lượng học sinh. Dựa trên dữ liệu từ các quốc gia của Liên hợp quốc và tình hình thực tiễn, Hiệp hội tâm lý học Australia (APS) khuyến nghị rằng tỷ lệ nhà tâm lý học đường trên học sinh nên là 1:500 (1 nhà tâm lý học trên 500 học sinh). Tỷ lệ này dựa trên những kết quả nghiên cứu của NSW Coroner vào năm 2011 rằng: các trường THPT có hơn 500 học sinh nên có một nhà tham vấn tâm lý làm việc toàn thời gian tại trường. APS cho rằng tỉ lệ các nhà tâm lý học đường trên số lượng học sinh là yếu tố quan trọng để đáp ứng nhu cầu của tất cả học sinh một cách toàn diện nhất.

6. Các Nguồn Lực Cần Có

Để đảm nhận tốt vai trò chuyên môn và các trách nhiệm trong trường học, các nhà tâm lý học đường cần được cung cấp những nguồn lực phù hợp. Lãnh đạo nhà trường, địa phương cần cung cấp cho các chuyên viên tâm lý học đường các trang thiết bị, cơ sở vật chất… thích hợp, bao gồm:

1. Một địa điểm riêng tư, nhằm cung cấp các dịch vụ đảm bảo tính bí mật cho học sinh trong trường. Khu vực này cũng cần có một khu phòng chờ riêng tư.

2. Phòng tham vấn cách âm, đảm bảo thuận tiện, cho cả những học sinh có khuyết tật vẫn có thể tiếp cận được; thoải mái và phù hợp cho việc tham vấn, tư vấn, đánh giá nhóm và cá nhân. Phòng này phải là một địa điểm cố định trong trường, được sử dụng cho tất cả thân chủ.

3. Phòng tham vấn được thiết kế đảm bảo tối đa hóa sự an toàn cho nhà tâm lý học. Trong những tình huống khi học sinh hoặc gia đình các em có các hành vi hung tính, bạo lực hoặc rối loạn cảm xúc… thiết kế phòng nên có hai lối ra. Nút ấn/chuông báo động khẩn cấp cũng nên được trang bị sẵn.

4. Điện thoại với hệ thống thư thoại, máy tính và máy in, máy ghi âm, tủ đựng hồ sơ có khóa, văn phòng phẩm và đồ nội thất văn phòng, bàn để thực hiện các đánh giá, bàn trà và bảng trắng.

5. Chuyên viên tâm lý cần được tiếp cận các tài liệu đánh giá tâm lý và giáo dục cần thiết, góp phần giúp thúc đẩy việc hoàn thành tốt các vai trò chuyên môn

6. Một khoản trợ cấp ngân sách hàng năm để đáp ứng các nhu cầu phát triển nghề nghiệp như: giám sát đồng đẳng, bậc cao, kinh phí cho các nguồn lực chuyên môn (ví dụ như kinh phí cho sách, công cụ can thiệp tâm lý, đăng ký tạp chí và các khoản phí thành viên).

7. Các thủ tục hành chính chấp thuận cho các yêu cầu nghỉ phép và các hoạt động phát triển nghề nghiệp phù hợp.

8. Cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho việc đi công tác đến một địa điểm bên ngoài nào đó nếu được nhà trường yêu cầu.

Nguồn: The framework for effective delivery of school psychology services: a practice guide for psychologists and school leaders. APS (Australian Psychological Society, 2018)

Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.

Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:

-----------------------------

Viện Tâm lý Việt - Pháp

Trụ sở Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Trụ sở TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 0912.012.684  (Zalo, 24/7)

Email: daotao@tamlyvietphap.vn

Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn

Bài viết liên quan

Gọi cho tôi

Hãy gửi thông tin cho chúng tôi, nhân viên tư vấn của Viện sẽ liên hệ lại Quý khách trong vòng 24h. Thông tin của Quý khách chỉ để chúng tôi liên hệ và không gửi cho bên thứ ba.

Tài nguyên

Trắc nghiệm

https://tracnghiem.tamlyvietphap.vn/