Tám lĩnh vực năng lực dưới đây là hệ thống các kỹ năng và kiến thức riêng biệt. Tuy nhiên, chúng cần được phối hợp với nhau để đạt được những mục tiêu toàn diện của hoạt động thực hành tâm lý học đường - nâng cao kỹ năng của học sinh và xây dựng những hệ thống hỗ trợ phù hợp.
Mức độ mà các nhà tâm lý học đường thể hiện các năng lực trong thực tiễn sẽ phụ thuộc vào mức độ cung cấp các dịch vụ, các hoạt động phòng ngừa, can thiệp mà họ thực hiện.
NHÓM CÁC NĂNG LỰC NỀN TẢNG
Năng Lực Giao Tiếp Và Hợp Tác
Các hoạt động thực hành tâm lý học đường thường có liên quan đến trẻ em, thanh thiếu niên và cả người lớn, với nhiều vấn đề và hệ thống vận hành khác nhau. Theo đó, các kỹ năng giao tiếp hiệu quả và khả năng hợp tác cùng phát triển với các cá nhân, tổ chức, là điều không thể thiếu đối với các nhà tâm lý học học đường. Nhà tâm lý học đường cần có khả năng lắng nghe, thích nghi, biết chấp nhận tính chất không rõ ràng của thông tin, và kiên nhẫn trong các tình huống khó khăn. Họ cũng cần có khả năng giao tiếp tốt và biết cách phổ biến thông tin rõ ràng cho nhiều đối tượng khác nhau, từ trẻ em, phụ huynh, giáo viên và ban giám hiệu đến hội đồng nhà trường, nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia sức khỏe tâm thần trong cộng đồng, lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà tâm lý học trường học khác. Đồng thời, các nhà tâm lý học đường cũng cần hiểu được tầm quan trọng của sự hợp tác, có thể hợp tác một cách hiệu quả trong nhiều tình huống, ý thức được rằng việc lắng nghe, thu hút ý kiến từ những người khác cũng quan trọng như việc truyền đạt hay chia sẻ kiến thức chuyên môn.
Một kỹ năng khác liên quan và cần thiết cho thực hành tâm lý học đường đó là tư vấn hợp tác (collaborative consultation). Bất kể triết lý hay cách tiếp cận tham vấn, tư vấn nào được sử dụng, thì các nhà tâm lý học đường cũng đều cần có kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả, nhằm phát triển môi trường học đường hài hòa, giảm thiểu sự chia rẽ và lạm dụng quyền lực, thúc đẩy các đàm phán theo nguyên tắc (principled negotiations) cần thiết để đạt sự đồng thuận chung khi làm việc cùng nhau.
Việc rèn luyện các kỹ năng hợp tác và giao tiếp hiệu quả sẽ góp phần không nhỏ giúp thay đổi và cải thiện trường học. Quan trọng là, các nhà tâm lý học đường cần sử dụng những kỹ năng này khi muốn thúc đẩy và tạo ra sự thay đổi ở từng học sinh, từng lớp học, trường học, hoặc thậm chí ở các cấp độ rộng hơn.
Năng Lực Nhận Thức Về Tính Đa Dạng Và Tính Nhạy Cảm Của Hệ Thống Các Dịch Vụ
Giải quyết những vấn đề liên quan đến tính đa dạng (diversity) không còn được định nghĩa đơn giản là thừa nhận hay “nhạy cảm” với những khác biệt ở mọi người xung quanh. Năng lực này không thể hiện thông qua mức độ nhạy cảm của một cá nhân đối với một nền văn hóa hay mức độ hiểu biết về nền văn hóa đó; mà là khả năng nhận biết khi nào, ở đâu và làm cách nào mà các vấn đề liên quan đến tính đa dạng được biểu hiện trong các các hoạt động mà các nhà tâm lý học đường tham gia. Ví dụ, trong việc xây dựng những hướng dẫn hiệu quả cho người học tiếng Anh, các nhà tâm lý học phải biết việc tiếp thu ngôn ngữ thứ nhất và thứ hai ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển nhận thức và quá trình học tập. Việc chỉ nhận thức rằng một học sinh không phải là người nói tiếng Anh bản ngữ là không đủ; các nhà tâm lý học đường phải nhận ra việc học ngôn ngữ thứ hai và song ngữ ảnh hưởng như thế nào đến việc xây dựng kế hoạch hướng dẫn và ứng dụng thực tiễn phù hợp, hiệu quả. Tương tự, việc không nhận ra các tác động của ngôn ngữ và văn hóa đối với hoạt động của trường học, hay việc sử dụng các phương pháp không phù hợp, không có hệ thống để đánh giá người học tiếng Anh, đều phản ánh sự thiếu năng lực của chuyên viên tâm lý về khía cạnh này.
Mối liên hệ giữa tính đa dạng và kỹ năng hợp tác, giao tiếp giữa các cá nhân là vấn đề cần được xác định rõ ràng. Các nhà tâm lý học đường cần có khả năng nhận ra khi nào các vấn đề về tính đa dạng ảnh hưởng đến việc giao tiếp với các cá nhân và tổ chức. Họ phải có khả năng điều chỉnh để đáp ứng với thân chủ hoặc đồng nghiệp, đối tác. Các bậc cha mẹ có trình độ kinh tế-xã hội thấp có được tôn trọng như những người có trình độ cao hơn không? Các bậc cha mẹ không nói được tiếng Anh có cảm thấy được chào đón và tham gia vào việc giáo dục con cái của họ không? Sự khác biệt về giới tính hoặc xu hướng tính dục có ảnh hưởng đến quá trình tham vấn không? Rõ ràng, những cân nhắc liên quan đến sự đa dạng là điều hiển nhiên trong mọi hoạt động của các nhà tâm lý học đường.
Giải quyết các vấn đề về tính đa dạng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Nó đòi hỏi các nhà tâm lý học đường phải tự soi chiếu bản thân mình, xem xét và đánh giá lại thế giới quan cá nhân: những vấn đề tế nhị, thành kiến về văn hóa, dân tộc, chủng tộc, giới tính, khiếm khuyết, về tầng lớp xã hội, khuynh hướng tính dục, ngôn ngữ v.v.. Những thành kiến tiềm ẩn này, cùng với những thành kiến của các cá nhân, tổ chức đối với nhà tâm lý, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cách ra quyết định, xây dựng các hướng dẫn, đánh giá hành vi, thiết kế các biện pháp can thiệp và lượng giá kết quả. Năng lực nhận thức về tính đa dạng không được phát triển chỉ bằng việc đọc các thông tin, sách vở về con người và các nền văn hóa, mà nó được phát triển thông qua kinh nghiệm nhận diện sự ảnh hưởng của tính đa dạng đến tất cả các hoạt động tâm lý học đường (và trong cả các hoạt động cuộc sống).
Năng Lực Ứng Dụng Công Nghệ - Kỹ Thuật
Vì công nghệ đã trở nên gắn liền với cuộc sống hàng ngày, nên nhiều khả năng sinh viên sau đại học ngày nay có năng lực đáng kể trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ phục vụ cho chuyên môn có thể đòi hỏi sự phát triển các kỹ năng mới và xử lý các tình huống khó giải quyết mới về khía cạnh đạo đức. Máy tính và các thiết bị điện tử khác cho phép một người thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, nhằm nâng cao và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chuyên môn: thu thập và lưu trữ dữ liệu, theo dõi kết quả và sự tiến bộ của học sinh, đánh giá, lưu trữ hồ sơ và giao tiếp với nhiều đối tượng khác nhau. Thật khó có thể tưởng tượng việc tiến hành các hoạt động như giao tiếp, lưu trữ hồ sơ, quan sát, ra quyết định dựa trên thực chứng, đánh giá, lượng giá chương trình và nghiên cứu mà không có sự hỗ trợ của công nghệ.
Các nhà tâm lý học đường cũng cần nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến công nghệ. Trong các hoạt động chuyên môn, việc sử dụng liên lạc và lưu trữ điện tử làm nảy sinh những nguy cơ mới đối với việc bảo mật các thông tin liên quan đến học sinh cũng như các bài thi. Trẻ em và vị thành niên hiện đang sử dụng Internet để tìm kiếm các thông tin và tham khảo ý kiến. Nhiều trang web đã bị chỉ trích vì thúc đẩy những suy nghĩ và hành vi có thể gây tổn hại đến học sinh (ví dụ: các trang web lý tưởng hóa vẻ ngoại hình của mỗi người, hay các thông tin không chính xác về chế độ ăn uống, sử dụng thuốc tăng cường sức lực, bắt nạt). Đối với một số học sinh, khả năng các em nghiện công nghệ (ví dụ: trò chơi điện tử, nội dung khiêu dâm) và hạn chế các tương tác xã hội thực sự (so với các tương tác ảo) là có thể xảy ra.
Các nhà tâm lý học đường cũng nên nhận thức được “khoảng cách số” (digital divide), khi mà công nghệ thường dễ tiếp cận hơn với những người có nhiều nguồn lực kinh tế hơn. Năng lực ứng dụng công nghệ-kỹ thuật cần phải bao gồm cả khả năng hỗ trợ học sinh, phụ huynh và giáo viên biết được các cách thức và địa điểm tiếp cận công nghệ, cũng như cách đánh giá độ an toàn và tính hiệu quả của nó, cách sử dụng nó để nâng cao khả năng học tập. Công nghệ mang lại cơ hội to lớn. Nó cũng thách thức các nhà tâm lý học trường học theo những cách thức mới mẻ mà 10 năm trước đây ít ai có thể hình dung ra được.
Năng Lực Chịu Trách Nhiệm Đối Với Nghề Nghiệp, Pháp Luật, Đạo Đức, Và Xã Hội
Các nhà tâm lý học đường cần đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn (về thực hành nghề và đạo đức), các tiêu chuẩn về pháp luật, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên. Điều này bao gồm việc tuân thủ các hướng dẫn về quy trình ra quyết định có ảnh hưởng đến học sinh; duy trì các tiêu chuẩn nghề nghiệp và đạo đức về đánh giá, tham vấn và các hoạt động chuyên môn nói chung; đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn về mặt pháp lý.
Các nhà tâm lý học đường cũng có trách nhiệm trong việc lập kế hoạch và thực hiện các chương trình học tập thường xuyên để phát triển bản thân trong lĩnh vực chuyên môn. Tại nhiều nước phát triển trên thế giới, nhà tâm lý học đường phải duy trì các chứng chỉ chuyên môn phù hợp và tham dự các chương trình giáo dục thường xuyên cần thiết cho hoạt động nghề hiện tại và/hoặc khi được yêu cầu bởi các nhà tuyển dụng, các cơ quan cấp chứng chỉ. Đặc biệt quan trọng, các nhà tâm lý học đường cần nhận ra giới hạn năng lực của bản thân, và không vượt quá giới hạn đó. Họ làm việc với các nhân viên trong nhà trường để đảm bảo rằng giáo viên và những nhân viên liên quan đều có cơ hội phát triển nghề nghiệp thường xuyên. Sự hợp tác giữa các lực lượng sẽ giúp cải thiện quá trình cung cấp dịch vụ và mang lại kết quả tốt hơn cho học sinh.
NHÓM CÁC NĂNG LỰC CHỨC NĂNG
Năng Lực Ra Quyết Định Và Giải Trình Dựa Trên Dữ Liệu Khoa Học
Các nhà tâm lý học đường nên là những người biết giải quyết vấn đề: biết thu thập thông tin liên quan để hiểu về vấn đề, đưa ra được những quyết định phù hợp khi can thiệp, biết đánh giá kết quả giáo dục và giúp những người khác có trách nhiệm với các quyết định mà họ đưa ra.
Mặc dù trước đây, các nhà tâm lý học đường thường chịu trách nhiệm thu thập lượng dữ liệu đáng kể về học sinh, nhưng trọng tâm của họ không nên chỉ tập trung ở cấp độ cá nhân học sinh. Họ nên tham gia những khóa đào tạo về phương pháp nghiên cứu, thống kê và đánh giá chương trình. Những kiến thức và kỹ năng đó cho phép các chuyên viên tâm lý trong trường học thu thập được dữ liệu về hệ thống toàn trường, các chương trình giáo dục và môi trường lớp học.
Các nhà tâm lý học đường cần thông thạo nhiều phương pháp đánh giá và lượng giá: quan sát, phỏng vấn, thử nghiệm tham chiếu chuẩn (standardized norm-referenced tests), đánh giá hành vi chức năng, đánh giá/đo lường/lượng giá đối với các chương trình giảng dạy, đánh giá sinh thái hoặc môi trường (ecological or environmental assessment), đánh giá nâng cao công nghệ và giám sát tiến độ (technology-enhanced assessment, and progress monitoring). Bất kể phương pháp đánh giá nào, mục đích của đánh giá vẫn rõ ràng – đó là nhằm xác định các vấn đề khó khăn, các nhu cầu và nguồn lực của học sinh, dự báo tình trạng hiện tại, quan tâm đến mối quan hệ giữa hiệu quả hỗ trợ với việc phát triển các biện pháp can thiệp phù hợp, lượng giá kết quả và đưa ra các dự kiến hỗ trợ, can thiệp trong tương lai. Nói một cách đơn giản, tất cả các hoạt động đánh giá kể trên cần liên quan đến các hoạt động phòng ngừa và can thiệp của nhà tâm lý.
Các nhà tâm lý học đường cần nhận biết, kiểm soát được những tác động của môi trường giảng dạy, yếu tố nhận thức, tình cảm, xã hội, hành vi lên thành tích học tập và sự phát triển năng lực cá nhân học sinh. Họ cần sử dụng những thông tin đó để thúc đẩy năng lực của học sinh và ngăn ngừa các khó khăn/khiếm khuyết ở các em. Các nhà tâm lý học đường nên thành thạo trong việc đánh giá các khía cạnh nào của môi trường giảng dạy đang tạo điều kiện hoặc cản trở việc học tập/thay đổi hành vi của học sinh. Họ cần biết các yếu tố môi trường và đặc điểm của học sinh (ví dụ các khía cạnh của tính đa dạng) tương tác với nhau và tạo sự ảnh hưởng đến kết quả học tập và hành vi như thế nào.
Tại các nước phát triển trên thế giới, các nhà lãnh đạo trường học được khuyến khích coi những chuyên viên tâm lý học đường như người phụ trách chính trong việc thu thập và giải thích các dữ liệu - người đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế các phương pháp đánh giá, đáp ứng trách nhiệm báo cáo, giải trình công khai.
Năng Lực Phân Phối Dịch Vụ Dựa Trên Hệ Thống
Các nhà tâm lý học đường không thể chỉ tập trung hoàn toàn vào việc can thiệp ở cấp độ cá nhân, nếu họ mong muốn cải thiện kết quả và nâng cao hệ thống năng lực cho học sinh. Các vấn đề học tập của học sinh không thuộc về một mình học sinh, mà nó liên quan đến sự thay đổi ở cấp độ hệ thống, liệu sự thay dổi đó có giúp học sinh thành công và ngăn ngừa những khó khăn hay không.
Trường học và các môi trường khác, nơi trẻ em và thanh thiếu niên sinh sống, học tập phải được xem như những hệ thống mà trong đó bao gồm nhiều thành phần có khả năng ảnh hưởng đến việc học tập, phát triển của trẻ theo những cách đa dạng, phức tạ khác nhau. Các nhà tâm lý học đường cần phải hiểu cách thức hoạt động của các hệ thống, nhưng hơn thế nữa, họ cần biết cách ứng dụng kiến thức đó để hỗ trợ xây dựng trường học, lớp học theo chiều hướng thúc đẩy học tập, đồng thời ngăn ngừa các vấn đề khó khăn có thể nảy sinh.
Trong mô hình cung cấp dịch vụ 3 tầng, cùng với sự hợp tác của các lực lượng khác, nhà tâm lý trường học cần thiết kế được các can thiệp hướng dẫn và giảng dạy, hình thành được các đội nhóm hỗ trợ giải quyết vấn đề, các chương trình đào tạo nhân viên bán chuyên nghiệp, xây dựng các quy định của trường học về kỷ luật, xếp loại, quy trình giao tiếp và giới thiệu ca, các chương trình can thiệp và phòng ngừa khủng hoảng, các chương trình chuyển tiếp (transition programs), và các chương trình học trong trường.
Các nhà tâm lý học đường cần thể hiện được vai trò quan trọng trong việc phát triển trường học như những nơi an toàn, quan tâm, tràn đầy tình yêu thương tập thể, nơi coi trọng mọi sự đóng góp của tất cả mọi người, bao gồm giáo viên, những người trợ lý, quản lý, gia đình, học sinh và cả các nhân viên khác liên quan; là một môi trường luôn mong muốn tất cả học sinh đều được phát triển tốt nhất có thể.
Việc quan tâm đến tính hệ thống trong quá trình cung cấp dịch vụ không chỉ giới hạn ở môi trường học đường. Học sinh không chỉ học trong trường, xung quanh trẻ còn có nhiều môi trường sống khác, ví như gia đình và cộng đồng. Sự can thiệp, hợp tác và kết nối giữa trường học và những môi trường này cần phải được phát triển. Đồng thuận với các kết quả được thông qua trong Hội nghị về Tương lai của Tâm lý học đường (2002 Conference on the Future of School Psychology), những nhà chuyên môn tin rằng việc tăng cường quan tâm đối với mối liên hệ giữa gia đình - nhà trường, cũng như tăng cường sự công nhận về vai trò của cha mẹ/người chăm sóc đối với hiệu quả giáo dục con cái là rất quan trọng đối với việc thực hành tâm lý học đường trong thế kỷ XXI.
Trong suốt quá trình học tập tại trường, học sinh thường tiếp xúc với nhiều giáo viên khác nhau. Tuy nhiên, cha mẹ mới là những người hiểu rõ quá trình học tập và phát triển của trẻ, có thể ứng dụng những hiểu biết đó để hỗ trợ khi con gặp khó khăn. Các nhà tâm lý học đường nhận ra rằng, khả năng thành công của bất kỳ can thiệp nào, về mặt học tập, xã hội hoặc tình cảm, sẽ tăng lên khi cha mẹ hoặc những người chăm sóc cùng tham gia tích cực trong việc thiết kế và thực hiện can thiệp. Các nhà tâm lý học đường được coi là những cầu nối liên lạc một cách tự nhiên nhất giữa gia đình và nhà trường. Họ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp cha mẹ cảm thấy rằng: cha mẹ cũng chính là những thành viên tích cực trong việc hỗ trợ con học tập, cũng như đảm bảo rằng cha mẹ có tiếng nói khi đưa ra các quyết định quan trọng. Các nhà tâm lý học đường hiểu rằng, có nhiều thách thức đối với sự tham gia tích cực của gia đình trong việc giáo dục học sinh, đồng thời cũng nhận ra rằng, việc vượt qua những rào cản này và xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa gia đình-nhà trường, là một trong những vai trò quan trọng của các chuyên viên tâm lý trường học.
Tại các nước phát triển, nhà tâm lý học đường không chỉ hỗ trợ cá nhân các bậc cha mẹ/người chăm sóc, mà còn tham gia vào việc phát triển các chương trình tăng cường kết nối giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng. Ví dụ như: vận động gia đình tham gia vào: các hệ thống lập kế hoạch, đào tạo cha mẹ hoặc thiết lập các trung tâm hỗ trợ trẻ, vận hành đường dây nóng về bài tập về nhà, hoặc tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tâm thần thuận tiện, giá cả phải chăng. Các hoạt động liên quan khác có thể kể đến như: hợp tác với các tổ chức chính sách công với vai trò như các nhóm phụ huynh tiên phong. Việc hoàn thành tốt những nhiệm vụ trên đòi hỏi người thực hiện phải có cái nhìn và hành động mang tính hệ thống.
Các nhà tâm lý học đường cũng cần chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo và phối hợp với các cơ quan khác, giúp hình thành các mối liên kết trong cộng đồng. Ở nhiều nơi, việc làm cho trường học bớt “độc lập”, đồng thời “cộng tác” nhiều hơn với phụ huynh, với các cơ quan xã hội và y tế, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp địa phương, là một nỗ lực lớn và lâu dài. Các nhà tâm lý học đường cần được chuẩn bị để hỗ trợ dẫn dắt và duy trì những sự hợp tác này.
Sự thay đổi hệ thống ở cấp độ địa phương thường xuất hiện thông qua các sáng kiến chính sách công. Các nhà tâm lý học đường trên nhiều nước phát triển được khuyến khích hiểu và tham gia tích cực vào các hoạt động này. Việc tham gia xây dựng chính sách công vừa cung cấp cho các nhà tâm lý thông tin cần thiết để áp dụng các quy điều luật pháp, chỉ thị hướng dẫn thực hành, vừa giúp đảm bảo rằng, quan điểm tâm lý học đường được đưa vào các quyết định chính sách công vì lợi ích của tất cả trẻ em và gia đình.
Năng Lực Tăng Cường Phát Triển Các Kỹ Năng Về Nhận Thức Và Học Tập
Như đã đề cập trước đó, các nhà tâm lý học đường sử dụng việc ra quyết định dựa trên dữ liệu khoa học và cung cấp dịch vụ dựa trên hệ thống, để xây dựng và duy trì năng lực cũng như cải thiện kỹ năng cho tất cả học sinh. Hai lĩnh vực năng lực cuối cùng được giới thiệu trong bài viết này thể hiện cho sự phát triển của học sinh và toàn trường trong hai lĩnh vực: (1) kỹ năng nhận thức và học tập, và (2) sức khỏe, kỹ năng xã hội và kỹ năng sống. Các nhà tâm lý học đường giúp trường học xây dựng các mục tiêu học tập và nhận thức mang tính thử thách nhưng vẫn có khả năng đạt được, cho tất cả học sinh, cân nhắc đến nhu cầu điều chỉnh kỳ vọng đối với từng em, đồng thời thực hiện các cách đa dạng để theo dõi, đánh giá sự tiến bộ của mỗi cá nhân trong quá trình phát triển theo các mục tiêu đã đề ra.
Các nhà tâm lý học đường biết cách áp dụng lý thuyết học tập và các chiến lược nhận thức vào quá trình giảng dạy. Họ nên có kinh nghiệm về các yếu tố bổ trợ và các phương pháp giảng dạy hiệu quả. Họ cũng nên hợp tác với những người khác để cải thiện việc giảng dạy, nâng cao thành tích và phát triển các kỹ năng chú ý, giải quyết vấn đề và học tập ở học sinh. Các chuyên viên tâm lý trong nhà trường cần đảm bảo tính ngay thẳng, liêm chính trong quá trình hỗ trợ (nói về các giới hạn trong việc thực hiện các biện pháp can thiệp); hỗ trợ giáo viên, nhân viên nhà trường giúp học sinh ngày càng có trách nhiệm hơn với việc học của mình (học sinh biết tự điều chỉnh và tự đánh giá). Các nhà tâm lý học đường cũng nên chuẩn bị để hỗ trợ giáo viên, các nhà giáo dục khác, trong việc ứng dụng những nghiên cứu mới quan trọng vào việc giảng dạy thực tiễn.
Năng Lực Thúc Đẩy Sự Phát Triển Sức Khỏe Toàn Diện, Các Kỹ Năng Xã Hội, Sức Khỏe Tâm Thần Và Các Năng Lực Sống
Mặc dù trách nhiệm chính của trường học là hỗ trợ phát triển các kỹ năng nhận thức và học tập, nhưng các nhà tâm lý học đường nhận ra rằng, việc học tập hiệu quả bị ảnh hưởng đáng kể bởi các yếu tố khác ngoài việc giảng dạy trên lớp và chương trình học tập.
Nếu như sức khỏe toàn diện và những phúc lợi chung của học sinh không được đáp ứng thỏa đáng, thì việc tối ưu kết quả học tập sẽ không thể xảy ra. Việc nhận thức được sự thật đó đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây (một phần do bởi các hoạt động tâm lý học đường). Mọi người cũng hiểu rằng các trường học không chỉ chịu trách nhiệm thúc đẩy kỹ năng học tập cho học sinh, mà còn cần chuẩn bị cho các em cơ hội phát triển các kỹ năng sống hiệu quả.
Những học sinh sau khi tốt nghiệp có kỹ năng học tập cao nhưng thiếu các kỹ năng quan trọng khác để trở thành một con người khỏe mạnh và độc lập, không phải là đầu ra mong muốn của quá trình học tập trong nhà trường! Các trường học cần chăm sóc sức khỏe tổng quát, sức khỏe tâm thần và phúc lợi cho học sinh, nhằm đảm bảo sự phát triển học tập hiệu quả. Trong quá trình đó, các nhà tâm lý học trường học nên là những mũi nhọn và được trao quyền để hỗ trợ nhà trường.
Là các chuyên gia hàng đầu về sức khỏe tâm thần trong trường học, các nhà tâm lý học đường cần được chuẩn bị để giúp thiết kế và thực hiện các chương trình phòng ngừa, can thiệp, nhằm thúc đẩy sức khỏe và khả năng phục hồi của các đối tượng. Họ cần thúc đẩy và nâng cao sức khỏe toàn diện, cũng như hỗ trợ các vấn đề sức khỏe khác như lạm dụng chất kích thích, ăn kiêng, rối loạn ăn uống, phòng chống AIDS và quản lý căng thẳng. Họ cần nhận ra những biểu hiện hành vi ban đầu của các rối nhiễu đạo đức, các vấn đề hướng nội, hoặc bỏ học. Họ cần biết cách thiết kế các chương trình để phòng ngừa và can thiệp những vấn đề này. Cuối cùng, các nhà tâm lý học đường cần biết phối hợp với các giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh và cộng đồng nói chung, trong việc phòng ngừa và khắc phục hậu quả khủng hoảng như tự tử, các trường hợp tử vong khác, thiên tai, giết người, đánh bom hoặc đe dọa đánh bom, các vấn đề bạo lực bất thường, khủng bố, tấn công hoặc quấy rối tình dục. Mặc dù họ không được kỳ vọng là chuyên gia trong mọi lĩnh vực, nhưng các nhà tâm lý học đường tại các nước phát triển được khuyến khích cần có năng lực cơ bản trong nhiều tình huống khủng hoảng, biết cách tiếp cận các nguồn lực để giải quyết những vấn đề này, cũng như biết phối hợp với những lực lượng khác, nhằm mang lại các dịch vụ hiệu quả cho học sinh và giáo viên, nhân viên nhà trường.
Không chỉ nói về sức khỏe toàn diện, lĩnh vực năng lực này còn bao gồm các kỹ năng xã hội và kỹ năng sống. Các nhà tâm lý học đường nên giúp trường học phát triển các mục tiêu về hành vi, cảm xúc và khả năng thích ứng vừa mang tính thử thách nhưng vẫn đảm bảo tất cả học sinh có thể đạt được. Họ nên biết cách cải thiện hành vi của học sinh và phát triển các phương pháp giúp giải quyết xung đột, các phương pháp giải quyết vấn đề xã hội/ra quyết định, nhằm hỗ trợ giáo viên và gia đình trong việc dạy các hành vi xã hội phù hợp cho trẻ. Các nhà tâm lý học đường cần có hiểu biết về sự phát triển trong các lĩnh vực xã hội, cảm xúc, khả năng thích ứng; đồng thời có thể xác định và áp dụng các nguyên tắc đúng đắn giúp thay đổi hành vi trong các lĩnh vực này. Họ nên thể hiện sự tiên phong trong việc tạo ra các môi trường giảng dạy nhằm giảm bớt sự cô lập, thúc đẩy việc thể hiện các hành vi thích hợp, cũng như các môi trường trong đó tất cả các thành viên cả học sinh và người lớn đều đối xử với nhau một cách tôn trọng.
Nguồn: Domains of Competence for The Training and Practice of School Psychology. NASP
Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.
Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:
-----------------------------
Viện Tâm lý Việt - Pháp
Trụ sở Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Trụ sở TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 0912.012.684 (Zalo, 24/7)
Email: daotao@tamlyvietphap.vn
Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn