Lạm dụng tâm lý, hay lạm dụng tinh thần, có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về cảm xúc và sức khỏe tâm thần. Nó thường là dấu hiệu báo trước của việc lạm dụng thể chất.
Lạm Dụng Tâm Lý Là Gì?
Lạm dụng tâm lý, hay còn được gọi là lạm dụng tinh thần, đề cập đến việc đến việc một người sử dụng các hình thức giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ để cố gắng kiểm soát ai đó hoặc gây tổn hại cho họ về mặt cảm xúc.
Mặc dù lạm dụng tâm lý không để lại những vết thương trên cơ thể, nhưng nó có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về cảm xúc và sức khỏe tâm thần. Hình thức lạm dụng này có thể khó phát hiện hơn; tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhận ra nó và tìm kiếm sự giúp đỡ càng sớm càng tốt, vì nó thường là dấu hiệu báo trước của việc lạm dụng thể chất.
Nhận Biết Một Số Kiểu Lạm Dụng Tâm Lý
Thao Túng Tâm Lý (Gaslighting)
Thao túng tâm lý (gaslighting) là một hình thức lạm dụng tâm lý bằng cách gieo những mầm mống nghi ngờ vào nạn nhân, khiến họ phải đặt câu hỏi về trí nhớ, nhận thức và sự tỉnh táo của chính mình. Bằng cách liên tục phủ nhận, định hướng sai, tuyên bố mâu thuẫn và nói dối, những kẻ lạm dụng cố gắng gây bất ổn cho nạn nhân và làm mất đi niềm tin chính đáng của họ. Điều này dẫn tới ự hình thành các nút thắt tâm trí gây tổn hại về nhận thức và cảm xúc cho nạn nhân. Thao túng tâm lý, đặc biệt là khi nó diễn ra lâu dài, có thể gây lo âu, trầm cảm và thậm chí là rối loạn tâm thần.
Tình trạng thao túng tâm lý có thể xảy ra trong các mối quan hệ thân mật; xảy ra ở trường học như một hình thức bắt nạt; xảy ra tại nơi làm việc như một hình thức quấy rối; hoặc nó cũng có thể mang tính thể chế và hệ thống. Ba phương pháp thao túng tâm lý phổ biến nhất chính là che giấu (che giấu sự việc và thông tin với nạn nhân); thay đổi (thay đổi điều gì đó về nạn nhân để nạn nhân rập khuôn theo ảo tưởng của kẻ lạm dụng); và hoàn toàn kiểm soát nạn nhân.
Phỉ Báng Nhân Cách
Phỉ báng nhân cách đề cập đến việc kẻ lạm dụng đưa ra những tuyên bố sai sự thật, gây tổn hại đến danh tiếng của nạn nhân. Kẻ lạm dụng tạo ra hình ảnh sai lệch về nạn nhân trong xã hội và từ đó, tạo ra một môi trường thù địch. Mục tiêu của hành vi phỉ báng là nhằm vô hiệu hóa nạn nhân trong cuộc sống riêng tư và công việc.
Sự phỉ báng nhân cách có thể gây ra tổn thương tâm lý nghiêm trọng, có thể dẫn đến trầm cảm, lo âu, hành vi tự hại, hội chứng gương vỡ (the broken mirror syndrome - hình ảnh méo mó về bản thân, nội tâm hóa những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực của kẻ bạo hành, nút thắt tâm trí, tự phê bình mang tính hủy diệt, lòng tự trọng thấp, mặc cảm mạnh mẽ, đau đớn về mặt cảm xúc…), suy nghĩ tự tử và hành vi tự tử.
Chế Nhạo Và Lăng Mạ
Chế nhạo và lăng mạ là những “vũ khí” lợi hại trong việc bắt nạt và quấy rối. Sự nhạo báng thường gắn liền với sự đố kỵ và thiếu sự tự phê bình mang tính xây dựng; thường được sử dụng để gây bất ổn và làm nhục nạn nhân. Chế nhạo cũng có thể được sử dụng như một phương pháp thao túng nhằm mục đích làm mất uy tín của đối phương. Nạn nhân có thể mất đi sự tự tin và địa vị trong một môi trường xã hội nhất định. Sự chế nhạo có thể gây ra những nút thắt tiềm thức về cảm giác tiêu cực trong tâm trí nạn nhân. Những nút thắt tiềm thức này rất khó tháo gỡ và có thể hủy hoại lòng tự trọng của nạn nhân.
Đôi khi những kẻ lạm dụng sẽ cố tình hiểu sai sự chế nhạo và lăng mạ của họ là sự hài hước. Điều rất quan trọng là phải phân biệt những người có khiếu hài hước với những người chế nhạo và sỉ nhục. Sự hài hước lành mạnh - điều luôn đáng mong đợi trong các mối quan hệ - sẽ không bao giờ làm bẽ mặt người khác.
Bắt Nạt Tinh Thần
Bắt nạt là hành vi lạm dụng quyền lực có hệ thống và được định nghĩa là hành vi hung hăng hoặc cố ý gây tổn hại được thực hiện nhiều lần và liên quan đến sự mất cân bằng quyền lực. Bắt nạt tinh thần là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần và giảm khả năng thích ứng với vai trò của người trưởng thành.
Bắt nạt trên Internet: Bắt nạt hoặc quấy rối trên mạng đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là ở đối tượng thanh thiếu niên. Một số hình thức bắt nạt trên Internet phổ biến có thể kể đến như chơi khăm (troll), sử dụng thông tin liên lạc điện tử để theo dõi và quấy rối nạn nhân. Việc bị xúc phạm và quấy rối trên Internet có thể gây ra tổn thương về mặt tinh thần và tâm lý, nạn nhân của bắt nạt qua mạng có thể trải qua sự hình thành các nút thắt của cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực. Họ có thể có suy giảm lòng tự trọng, gia tăng ý định tự tử và có nhiều phản ứng cảm xúc khác nhau, bao gồm sợ hãi, thất vọng, tức giận và trầm cảm.
Bắt nạt ngoại hình: Bắt nạt ngoại hình là một kiểu bắt nạt dựa trên khuôn mẫu sắc đẹp và lý tưởng về sắc đẹp - những người không phù hợp với khuôn mẫu sắc đẹp và không muốn chạy theo xu hướng làm đẹp sẽ bị xúc phạm hoặc chế giễu. Việc bắt nạt ngoại hình có thể gây ra nhiều đau khổ về tinh thần và vô số vấn đề tâm lý như lòng tự trọng thấp, mặc cảm tự ti, mặc cảm xấu xí, lo âu xã hội, trầm cảm, chán ăn tâm thần và chứng cuồng ăn.
Bắt nạt tại nơi làm việc (Mobbing): Mobbing là một hình thức quấy rối tâm lý xảy ra tại nơi làm việc, có thể diễn ra theo chiều dọc (kẻ lạm dụng ở vị trí quyền lực cao hơn nạn nhân); theo chiều ngang (kẻ lạm dụng ở vị trí quyền lực ngang hàng với nạn nhân); hoặc dạng kết hợp (nạn nhân bị lạm dụng từ cả hai hướng). Các hành vi mobbing phổ biến bao gồm: quá tải công việc (nạn nhân bị giao quá nhiều công việc); công việc trống (nạn nhân không được làm bất kỳ nhiệm vụ gì trong công việc); phân công sai (nạn nhân bị giao những nhiệm vụ không có trong bản mô tả công việc); vu khống; tấn công bằng lời nói; cô lập xã hội; chế nhạo và châm chọc.
>>> Tham Khảo: Bắt Nạt Nơi Làm Việc Từ Góc Nhìn Tâm Lý
Các Hành Vi Lạm Dụng Tâm Lý Phổ Biến
Lạm Dụng Tâm Lý Đối Với Trẻ Em
Dưới đây là một số ví dụ về hành vi lạm dụng tâm lý đối với trẻ em:
La mắng hoặc chửi bới trẻ
Thường xuyên chỉ trích hoặc chì chiết trẻ
Làm nhục trẻ hoặc nói xấu trẻ
Đổ lỗi hoặc trừng phạt trẻ về những vấn đề của người lớn
Đe dọa làm tổn thương hoặc bỏ rơi trẻ
Không tạo được môi trường lành mạnh, an toàn và ổn định cho trẻ
Để trẻ chứng kiến các hành vi bạo lực hoặc lạm dụng ở nhà
Không quan tâm đến trẻ và từ chối sự giúp đỡ của người khác đối với trẻ
Lạm dụng tâm lý có thể gây tổn hại cho trẻ em tương tự như lạm dụng thể chất hoặc tình dục; tuy nhiên, nó khó phát hiện hơn nên mọi người ít có khả năng giúp đỡ trẻ hơn. Trẻ em bị lạm dụng tâm lý có thể gặp các vấn đề ở trường lớp; khó ngủ; rối loạn ăn uống (chẳng hạn như chứng chán ăn tâm thần hoặc chứng cuồng ăn); các vấn đề về sức khỏe tâm thần (chẳng hạn như trầm cảm, lo âu, lòng tự trọng thấp hoặc khó điều chỉnh cảm xúc); các vấn đề về hành vi (chẳng hạn như nói dối, gây hấn hoặc hành động thô bạo); các vấn đề về sức khỏe thể chất (chẳng hạn như đau nhức hoặc các vấn đề về tiêu hóa); và có xu hướng tham gia vào các hành vi nguy hiểm hoặc sử dụng chất kích thích khi còn nhỏ.
Lạm Dụng Tâm Lý Đối Với Vợ/Chồng/Người Yêu
Dưới đây là một số ví dụ về hành vi lạm dụng tâm lý đối với vợ/chồng/người yêu:
Luôn muốn biết đối phương đang làm gì, ở đâu và ở cùng ai
Mong đợi đối phương liên lạc thường xuyên hoặc kiểm tra nơi ở của đối phương
Muốn có mật khẩu điện thoại, địa chỉ email và tài khoản mạng xã hội để theo dõi hoạt động của đối phương
Theo dõi thói quen chi tiêu và kiểm soát tài chính của đối phương
Ghen tị và thường xuyên buộc tội đối phương lừa dối/ngoại tình
Đưa ra quyết định thay cho đối phương mà không hỏi ý kiến (chẳng hạn như đối phương sẽ ăn gì hoặc mặc gì)
Cố ngăn cản đối phương gặp gỡ bạn bè và gia đình
Ngăn cản đối phương đi làm, đi học hoặc tham gia các sự kiện xã hội
Ngăn cản đối phương nhận trợ giúp hoặc tư vấn y tế
Nổi giận và ngược đãi theo những cách khiến đối phương phải sợ hãi
Chửi bới, gọi tên hoặc đối xử với đối phương như một đứa trẻ
Chế nhạo hoặc làm nhục đối phương trước mặt người khác
Đe dọa làm tổn thương đối phương hoặc bằng các hành động pháp lý, thường vì những lý do bịa đặt
Đe dọa tự làm tổn thương bản thân khi họ khó chịu như một cách để thao túng và kiểm soát hành vi của đối phương
>>> Tham Khảo: Nạn Nhân Vô Hình: Khi Nam Giới Bị Lạm Dụng
Nạn nhân có thể cảm thấy tuyệt vọng, bất lực, tội lỗi hoặc xấu hổ, và cho rằng bản thân không xứng đáng với tình yêu và không xứng đáng được tôn trọng. Họ luôn nghi ngờ và đặt câu hỏi về bản thân. Họ cũng có thể cảm thấy choáng ngợp và căng thẳng, cảm thấy bị kiểm soát và thao túng. Nạn nhân sẽ luôn sống trong nỗi sợ hãi và có xu hướng hành động khác biệt để tránh làm phiền những kẻ lạm dụng. Những tổn thương tinh thần này khiến họ khó tập trung, khó ngủ và khó tận hưởng công việc hay những sở thích của bản thân. Nếu tình trạng lạm dụng kéo dài, nạn nhân có nguy cơ mắc rối loạn lo âu, trầm cảm, các vấn đề về lòng tự trọng hoặc những cơn đau mãn tính.
Tâm Lý Của Những Kẻ Lạm Dụng
Trải Nghiệm Trong Quá Khứ
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những cá nhân từng trải qua bạo lực trong quá khứ có nhiều khả năng bình thường hóa và thực hiện các hành vi lạm dụng hơn. Điều này có thể bao gồm bị lạm dụng thời thơ ấu, tiếp xúc với bạo lực hoặc những trải nghiệm đau thương khác.
Đặc Điểm Tính Cách
Một số đặc điểm tính cách nhất định cũng có thể góp phần vào khả năng một cá nhân có hành vi lạm dụng người khác. Những điều này có thể bao gồm lòng tự trọng thấp, tự ái, thiếu sự đồng cảm… Ví dụ, một người đàn ông lạm dụng tâm lý đối với vợ mình có thể có các đặc điểm sau: lòng tự trọng thấp, niềm tin vào vai trò giới gia trưởng (thường được gọi là “truyền thống”) hoặc niềm tin rằng đàn ông vượt trội hơn phụ nữ với tư cách là con người; cảm giác người khác “nợ” bản thân; quá mẫn cảm; có những kỳ vọng không thực tế về người vợ và mối quan hệ thân mật.
Chuẩn Mực Xã Hội Và Văn Hóa
Các chuẩn mực văn hóa và xã hội cũng có thể ảnh hưởng đến hành vi của cá nhân trong các mối quan hệ. Ví dụ, một số nền văn hóa có thể tha thứ hoặc thậm chí khuyến khích hành vi bạo lực trong các mối quan hệ hoặc coi việc nam giới kiểm soát phụ nữ là có thể chấp nhận được hoặc có thể tha thứ.
Các Yếu Tố Khác
Các yếu tố khác có thể góp phần tạo nên cấu trúc tâm lý của kẻ bạo hành gia đình bao gồm:
Các vấn đề về sức khỏe tâm thần: Những người đang vật lộn với chứng trầm cảm, lo âu hoặc các tình trạng sức khỏe tâm thần khác có thể dễ bùng phát bạo lực hơn.
Căng thẳng tài chính: Căng thẳng về tài chính cũng có thể dẫn đến cảm giác bất lực, thất vọng và tức giận, điều này có thể làm tăng khả năng xảy ra hành vi lạm dụng.
Thiếu sự hỗ trợ xã hội: Việc thiếu sự hỗ trợ xã hội có thể khiến các cá nhân cảm thấy bị cô lập và dễ bị tổn thương, điều này có thể làm trầm trọng thêm cảm giác tức giận và hung hăng.
Ứng Phó Với Lạm Dụng Tâm Lý
Dưới đây là một số chiến lược có thể giúp bạn đối phó trong trường hợp bị bạo hành tâm lý:
Nhận biết vấn đề: Bước đầu tiên là nhận ra rằng bạn đang bị lạm dụng. Hãy tìm hiểu về đặc điểm của mối quan hệ lành mạnh và phân biệt những hành vi không lành mạnh.
Rời khỏi tình trạng bị lạm dụng: Điều quan trọng là phải lập một kế hoạch an toàn và rời đi càng sớm càng tốt. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè đáng tin cậy, thành viên gia đình, hàng xóm, cơ quan thực thi pháp luật hoặc tổ chức nếu cần thiết.
Lưu giữ hồ sơ về hành vi lạm dụng: Kẻ lạm dụng có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu khi nói: “Tôi chưa bao giờ làm như vậy,” điều này có thể khiến bạn nghi ngờ bản thân. Sẽ rất hữu ích nếu bạn viết ra tất cả chi tiết để có thể nắm được những gì thực sự đã diễn ra.
Đừng giao chiến: Hạn chế phản ứng lại với kẻ lạm dụng. Học cách thiết lập các ranh giới vững chắc và từ chối tham gia với họ.
Bạn không có lỗi: Hãy nhắc nhở bản thân nhiều lần rằng bạn không có lỗi khi bị lạm dụng. Bạn không đáng bị lạm dụng và bạn không phải là nguyên nhân gây ra sự lạm dụng.
Xây dựng các mối quan hệ lành mạnh: Bạn có thể khó tin tưởng hoặc mở lòng với người khác, nhưng đó là những yếu tố quan trọng của mối quan hệ lành mạnh với sự tôn trọng, tin tưởng và tình cảm lẫn nhau.
Tìm kiếm sự giúp đỡ: Các nhóm hỗ trợ có thể giúp bạn lên tiếng về hành vi lạm dụng của mình với những người có trải nghiệm tương tự. Trị liệu tâm lý có thể giúp bạn xử lý cảm xúc, phát triển kỹ năng đối phó, xây dựng lòng tự trọng và chữa lành vết thương.
Lạm dụng tâm lý, đặc biệt nếu kéo dài, có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe của bạn và để lại những vết sẹo tinh thần. Nếu bạn đang cần hỗ trợ về mặt tâm lý, hãy tới các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời, hoặc liên hệ Viện Tâm lý Việt - Pháp qua Hotline: 0977.729.396 để được tư vấn cụ thể. Can thiệp sớm là chìa khóa để cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Tham khảo:
[1] What Is Psychological Abuse?. https://www.verywellmind.com/psychological-abuse-types-impact-and-coping-strategies-5323175#:~:text=Psychological%20abuse%2C%20also%20known%20as,issues%20and%20mental%20health%20conditions
[2] What Is the Psychological Makeup of an Abuser?. https://www.cawc.org/news/what-is-the-psychological-makeup-of-an-abuser/
[3] Psychology of Abusive Human Behavior. https://www.scirp.org/journal/paperinformation?paperid=116357
-----------------------------
Viện Tâm lý Việt - Pháp
Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Toà Landmark 81 & Landmark Plus, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP. HCM
Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)
Email: info@tamlyvietphap.vn