Mối Liên Hệ Giữa Lượng Đường (Carbs) Hấp Thụ & Trầm Cảm

Dinh dưỡng luôn là một trong các yếu tố hỗ trợ những người đang gặp các vấn đề rối loạn tâm thần, đặc biệt là trầm cảm. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai trong chúng ta cũng ý thức được các vấn đề về dinh dưỡng có gắn bó mật thiết với sức khỏe tâm thần. 

Đối với các rối loạn tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng, đã có nhiều trường hợp ghi nhận về việc lạm dụng các loại thực phẩm có nhiều đường (carbs) để cải thiện tâm trạng. Chúng ta đều có xu hướng ăn nhiều hơn khi gặp các căng thẳng, và điều này thực sự không phải là điều có lợi đối với những người mắc trầm cảm. 

Do đó, để làm rõ mối liên hệ carbs và trầm cảm, bạn hãy tham khảo bài viết này. 

Hấp Thụ Nhiều Carbs Tăng Nguy Cơ Trầm Cảm

Giả Thuyết Về Serotonin & Vai Trò Của Tryptophan

Giả thuyết về Serotonin xuất phát từ những giả thuyết về cảm giác thèm ăn, trong đó Serotonin đóng vai trò như một chất dẫn truyền thần kinh cần thiết để điều chỉnh tâm trạng. Các nhà nghiên cứu tin rằng sự phát triển của trầm cảm có liên quan đến mất cân bằng mức serotonin trong não.

Bạn thèm ăn các loại thức ăn chứa tinh bột là bởi bạn thiếu hụt serotonin, và sự thiếu hụt này kích thích bạn tìm đến những thực phẩm giúp bổ sung Serotonin - các thực phẩm giàu carbs.

Khi mắc trầm cảm, mức sản xuất Serotonin trong não sẽ thấp, vì vậy, trên một khía cạnh nào đó, các thực phẩm giúp tăng đường huyết, giàu carbs có thể là một cách để tự điều trị trầm cảm.

Có vẻ nghiên cứu khá ủng hộ giả thuyết rằng một bữa ăn nhiều carbs có xu hướng làm tăng mức serotonin, trong khi một bữa ăn giàu chất béo, hay giàu protein có thể làm giảm mức serotonin. Ảnh hưởng của cảm giác thèm ăn với tình trạng tâm trạng thấp (depressed) có thể tăng lên do sự tăng cao của lượng đường trong máu khi chúng ta sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết (Glycemic Index - GI) cao, chẳng hạn như kẹo.

Ngoài Serotonin, khi nhắc đến mối liên hệ giữa cảm giác thèm ăn và trầm cảm, cần phải nhắc đến Tryptophan - một axit amin có vai trò tạo serotonin. Điều đó có nghĩa là cơ thể bạn cần tryptophan để tạo ra serotonin. Khi có nhiều các axit amin này, cơ thể cũng tạo ra một hiệu ứng tự làm dịu, giúp giảm ảnh hưởng của các vấn đề gây ra do lượng Serotonin thấp như thèm ăn, chán nản, cáu kỉnh, mệt mỏi,...

Một số nghiên cứu đã đề xuất rằng mức độ thấp của tryptophan có thể làm tăng cơn đói và thúc đẩy cảm giác thèm ăn, cũng như góp phần vào các triệu chứng trầm cảm.

Mặc dù các quan điểm có vẻ khá ủng hộ rằng các thực phẩm giàu carbs giúp hỗ trợ điều trị trầm cảm. Điều đó đúng, tuy nhiên, việc lạm dụng chúng có thể gia tăng nguy cơ trầm cảm hoặc làm trầm trọng các triệu chứng của bệnh. Nghiên cứu đã cho thấy việc lượng đường huyết tăng cao do hấp thụ các thực phẩm giàu carbs cũng đồng thời tăng nguy cơ trầm cảm. Do đó, một điều chắc chắn là có mối liên hệ giữa carbs được hấp thụ và trầm cảm. 

Bảy Sự Thật Về Mối Liên Hệ Giữa Lượng Carbs Hấp Thụ & Trầm Cảm

#1 Thực Phẩm Chế Biến Sẵn Có Liên Hệ Với Trầm Cảm

Các nhà nghiên cứu ở London phát hiện ra rằng chế độ ăn nhiều thực phẩm tươi sống như trái cây, rau và cá, có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm ở tuổi trung niên. Theo nghiên cứu của họ, những người ăn thực phẩm chế biến sẵn như đồ ngọt, món tráng miệng, thực phẩm chiên và thịt chế biến sẵn có nhiều khả năng được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm hơn những người chủ yếu dựa vào thực phẩm nguyên chất, chưa qua chế biến.

#2 Carbs Cũng Là Chất Dễ Nghiện

Một nghiên cứu được thực hiện ở chuột cho thấy các thụ thể vị ngọt của não không thích nghi với lượng đường ở mức cao và liên tục. Quá nhiều ngọt có thể kích thích “trung tâm khen thưởng” của não và khiến bạn cảm thấy hưng phấn nhiều hơn cả mức hưng phấn mà cocaine mang tới cho những người nghiện ma túy. Nói cách khác, việc bạn dễ nghiện đồ ngọt có nguy cơ cao hơn gấp nhiều lần so với từ cocaine và rõ ràng, cơ chế tự kiểm soát của chúng ta không phù hợp với sức mạnh của đường.

Tham Khảo: 10 thức ăn giúp giảm triệu chứng trầm cảm

#3 Đường Có Liên Hệ Với Chứng Viêm

Chế độ ăn nhiều carbs có thể thúc đẩy các chứng viêm. Viêm mãn tính có liên quan đến một số tình trạng sức khỏe, bao gồm rối loạn chuyển hóa, ung thư và hen suyễn. Theo một nghiên cứu đã được công bố, viêm cũng có thể liên quan đến trầm cảm.

Có nhiều triệu chứng viêm cũng giống với triệu chứng trầm cảm, chẳng hạn như chán ăn, thay đổi về giấc ngủ, cảm nhận nỗi đau rõ hơn,...

Đó là lý do tại sao trầm cảm có thể là một dấu hiệu tiềm ẩn của các vấn đề viêm.

#4 Insulin Hỗ Trợ Điều Trị Trầm Cảm

Các nhà nghiên cứu đã rất tự tin khi sử dụng insulin để điều trị chứng trầm cảm trong nghiên cứu của họ. Trong đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người bị cả trầm cảm nặng và kháng insulin cho thấy sự cải thiện các triệu chứng trầm cảm của họ khi họ được cho dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường trong 12 tuần. Hiệu quả đặc biệt tốt ở những người tham gia nghiên cứu trẻ tuổi. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn trước khi có thể ứng dụng insulin hoặc thuốc trị tiểu đường cho những người bị trầm cảm.

#5 Đàn Ông Có Nhiều Rủi Ro Liên Quan Đến Đường Hơn Phụ Nữ

Đàn ông có thể dễ bị đồ ngọt ảnh hưởng sức khỏe tâm thần hơn phụ nữ. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người đàn ông ăn 67 gram đường trở lên mỗi ngày có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn 23% sau 5 năm. Đàn ông ăn 40 gram đường trở xuống có nguy cơ trầm cảm thấp hơn.

#6 Nguy Cơ Trầm Cảm Vì Những Thực Phẩm Có Chỉ Số GI Cao

Giảm lượng đường huyết không có nghĩa là bạn cần giảm lượng carbs. Một nghiên cứu đã xem xét số lượng và chất lượng carbs được tiêu thụ bởi gần 70,000 phụ nữ từ 50 -79. Các nhà nghiên cứu đã áp dụng chỉ số đường huyết (GI) cho mỗi loại thực phẩm mà họ phân tích. Thực phẩm có GI cao, làm tăng lượng đường trong máu nhiều hơn, và khiến có nguy cơ trầm cảm cao hơn những người sử dụng thực phẩm GI thấp hơn. Những phụ nữ ăn một lượng lớn thực phẩm GI thấp hơn như rau và trái cây, có nguy cơ trầm cảm thấp hơn.

Kết quả chứng minh rằng carbohydrate nói chung không phải là nguyên nhân gây trầm cảm và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác. Thay vào đó, lượng carbs bạn hấp thụ hay chất lượng carb của thực phẩm mới là yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ trầm cảm của bạn.

#7 Thực Phẩm Chế Biến Công Nghiệp Cũng Khiến Bạn Có Nguy Cơ Trầm Cảm

Các loại bánh ngọt được chế biến công nghiệp có thể ngon và tiện lợi, nhưng chúng cũng có thể mang đến nguy cơ trầm cảm. Các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha phát hiện ra rằng những người ăn nhiều bánh nướng có nguy cơ trầm cảm cao hơn 38% so với những người ăn ít bánh nướng. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc hấp thụ chất béo chuyển hóa có thể đóng một vai trò nào đó. Loại chất béo không lành mạnh này dẫn đến các chứng viêm và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ và chắc chắn là nó thường được tìm thấy trong đồ ăn công nghiệp.

Tham Khảo: Đồ Có Cồn & Trầm Cảm

Các Câu Hỏi Liên Quan

#1 Lượng Carbs Bao Nhiêu Là Đủ Cho Cơ Thể Trong Một Ngày?

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyên rằng nên duy trì lượng carbs nạp vào tương ứng 100 calo mỗi ngày (khoảng 6 muỗng cà phê hoặc 24 gram đường) cho phụ nữ và không quá 150 calo mỗi ngày (khoảng 9 muỗng cà phê hoặc 36 gram đường) cho nam giới.

#2 Có Nên Tránh Các Thực Phẩm Có Chỉ Số GI Cao?

Có. Bạn nên lựa chọn các thực phẩm có chỉ số GI trung bình hoặc thấp. Đồng thời với việc cắt giảm đường, bạn cũng nên cắt giảm muối để tránh tình trạng tích nước trong cơ thể. 

#3 Chất Thay Thế Đường (Sugar Substitute) Có Ảnh Hưởng Đối Với Trầm Cảm Không?

“Các chất này không kích hoạt các hiệu ứng trong não bộ giống như đường.” Adam Drewnowski, Tiến sĩ, giáo sư dịch tễ học và giám đốc Chương trình Khoa học Dinh dưỡng tại Đại học Washington ở Seattle, WA, nói. Điều đó có nghĩa là chúng không kích hoạt phản ứng insulin ở mức độ tương tự. 

Vì lý do này, chúng có thể hữu ích với số lượng hạn chế trong việc giảm lượng calo tổng thể. Tuy nhiên, việc sử dụng chất thay thế đường là một chủ đề tranh cãi gay gắt trong nghiên cứu sức khỏe và một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chúng không thực sự góp phần làm giảm nguy cơ tăng cân hoặc hội chứng chuyển hóa.

Bài Viết Tham Khảo Từ Các Nguồn: 

  1. VeryWellMind - Why Am I Craving Sweets?: The Link Between Sugar and Depression

  2. HealthLine - The Connection Between Sugar and Depression

  3. WebMD - What to Know About Sugar and Depression

  4. PsyCentral - Sweet Tooth with Depression? Here’s Why (And What to Do)

Bài viết liên quan

Gọi cho tôi

Hãy gửi thông tin cho chúng tôi, nhân viên tư vấn của Viện sẽ liên hệ lại Quý khách trong vòng 24h. Thông tin của Quý khách chỉ để chúng tôi liên hệ và không gửi cho bên thứ ba.

Tài nguyên

Trắc nghiệm

https://tracnghiem.tamlyvietphap.vn/