Thôi Miên Không Phải Là Một Liệu Pháp Trị Liệu Tâm Lý
Thôi miên (Hypnosis) là một trạng thái tinh thần mà trong đó mọi người cảm thấy sự chú ý, tập trung và khả năng ám thị tăng lên. Mặc dù trạng thái thôi miên thường được xem như trạng thái đang ngủ, nhưng mô tả chính xác hơn của nó là dạng trạng thái tập trung chú ý, tăng khả năng gợi mở và những tưởng tượng sống động. Những người ở trạng thái bị thôi miên thường có vẻ buồn ngủ và mất cảm giác về mọi thứ xung quanh nhưng trên thực tế, họ đang ở trong trạng thái siêu nhận thức. Mọi người phản ứng với thôi miên theo những cách khác nhau nhưng hầu hết họ mô tả rằng trải nghiệm này là dễ chịu. Điều này đến từ việc hầu hết các thuật thôi miên đều bao gồm các ám thị để người tham gia cảm thấy thư giãn, bình tĩnh và thoải mái.
Cần nhấn mạnh rằng, thôi miên không phải là một loại liệu pháp trị liệu tâm lý. Nó chỉ là một quá trình (procedure) hay nói cách khác là một công cụ có thể được sử dụng để tạo điều kiện cho các loại liệu pháp và phương pháp điều trị khác. Thôi miên theo liệu pháp chỉ nên được tiến hành bởi các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đã được đào tạo, được cấp chứng chỉ và đang làm việc trong giới hạn chuyên môn của họ.
Lịch Sử Của Thôi Miên
Lịch sử của thôi miên bắt đầu từ cuối thế kỷ 18 khi Franz Mesmer - một bác sĩ người Đức - phát triển Thuật thôi miên (Mesmerism) lấy theo tên của ông với niềm tin vào sự cân bằng của sức mạnh từ tính trong cơ thể con người và sử dụng từ tính của động vật (animal magnetism). Khái niệm từ tính của động vật đã bị bác bỏ một thập kỷ sau đó vì nó không có cơ sở khoa học nhưng nhiều người đã bị thu hút bởi Mesmer đã chữa khỏi nhiều triệu chứng của bệnh nhân.
Còn với từ “hypnosis” hay “thôi miên” ngày nay, James Braid (Scotland), một bác sĩ nhãn khoa đã đặt cái tên này. Nó có nghĩa là “ngủ” trong tiếng Hy Lạp, tuy vậy khoa học hiện đại đã chứng minh thôi miên không liên quan đến việc ngủ mà chúng chỉ có một điểm chung là tăng cường sự tập trung bên ngoài của chúng ta.
Vào giữa thế kỷ 19, một bác sĩ người Áo là Josef Breuer đã gây chú ý khi điều trị cho một bệnh nhân mắc chứng kích động (hysteria) tên là Anna. Breuer đã sử dụng thôi miên gợi mở để kích hoạt những cảm xúc thời thơ ấu của Anna và nhờ đó giảm các triệu chứng bệnh của cô ấy.
Nhân vật nổi bật nhất trong lĩnh vực thôi miên hiện đại những năm 90 là bác sĩ tâm thần người Mỹ Milton Erickson - bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ một cách sáng tạo để giao tiếp với vô thức của bệnh nhân. Điều độc đáo trong cách tiếp cận của ông là ông không quan tâm đến việc xác định nguyên nhân của các triệu chứng như nhiều bác sĩ lâm sàng khác mà thay vào đó, ông tập trung vào việc giúp bệnh nhân giải phóng các triệu chứng của họ bằng cách ngừng các chức năng phòng vệ. Phương pháp của ông được gọi là Ericksonian Hypnosis, được lồng ghép mạnh mẽ vào các phương pháp tiếp cận đương đại khác như lập trình ngôn ngữ thần kinh (NLP).
Vào cuối thế kỷ 20, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ đã thành lập Ban 30 Hiệp hội Tâm lý học và Thôi miên. Kể từ đó, khoa học về thôi miên đã được phát triển một cách chặt chẽ.
Bạn có thể quan tâm đến các liệu pháp trị liệu tâm lý thực sự. Tham khảo ngay bài viết tại đây.
Các Phương Pháp Thôi Miên
Thôi Miên Có Hướng Dẫn (Guided Hypnosis)
Hình thức thôi miên này liên quan đến việc sử dụng các công cụ hướng dẫn với hình thức ghi âm và âm nhạc để tạo ra trạng thái thôi miên. Các trang web trực tuyến và ứng dụng di động thường sử dụng hình thức thôi miên này.
Thôi Miên Theo Liệu Pháp (Hypnotherapy)
Thôi miên theo liệu pháp là việc sử dụng thôi miên trong các liệu pháp tâm lý và được thực hiện bởi các bác sĩ và nhà tâm lý học được cấp phép. Chúng được sử dụng để điều trị các tình trạng bao gồm trầm cảm, lo âu, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) và rối loạn ăn uống.
Tự Thôi Miên (Self-Hypnosis)
Tự thôi miên là một quá trình xảy ra khi một người tự tạo ra trạng thái thôi miên. Nó thường được sử dụng như một công cụ giúp kiểm soát cơn đau hoặc quản lý căng thẳng.
Ứng Dụng Và Lợi Ích Tiềm Năng Của Thôi Miên
Tại sao một người tìm đến thôi miên? Trong khi có nhiều lầm tưởng và quan niệm sai lầm thì trên thực tế, thôi miên là một quá trình được chứng minh là có lợi ích về mặt y tế và điều trị trong nhiều trường hợp, đáng chú ý nhất là trong việc giảm đau và giảm lo lắng. Một nghiên cứu trên tạp chí GUT (2003) đã đề cập đến tác dụng của thôi miên khi 204 người mắc hội chứng ruột kích thích (Irritable Bowel Syndrome) được điều trị qua 12 buổi thôi miên và sau khi điều trị, có 58% nam giới và 75% phụ nữ báo cáo rằng các triệu chứng bệnh của họ đã thuyên giảm. Hay thí nghiệm của nhà nghiên cứu Ernest Hilgard đã chứng minh thôi miên có thể thay đổi nhận thức một cách đáng kể khi cho hai người tham gia thử nghiệm đặt tay vào chậu nước đá. Người không được thôi miên phải rút tay ra ngay sau vài giây vì quá buốt trong khi người được thôi miên có thể ngâm cánh tay trong nước đá vài phút mà không cảm thấy đau.
Ngoài ra, thôi miên cũng được ứng dụng trong việc điều trị các triệu chứng và bệnh đã được chứng minh qua nghiên cứu như: kiểm soát cơn đau trong các quá trình chữa trị nha khoa, đau do viêm khớp hoặc đau trong quá trình chuyển dạ khi sinh con, loại bỏ hoặc giảm các tình trạng da liễu, kiểm soát một số triệu chứng nhất định của hội chứng Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), giảm các triệu chứng sa sút trí tuệ (dementia) và giảm các cơn buồn nôn ở bệnh nhân ung thư đang hóa trị.
Một Số Lưu Ý Về Thôi Miên
Thôi miên có thể hữu ích nhưng không phải phù hợp với tất cả các vấn đề tâm lý, vấn đề y tế cũng như không phải phù hợp với tất cả bệnh nhân, thân chủ.
Thôi miên có thể có ảnh hưởng đáng kể đến trí nhớ. Chứng mất trí nhớ sau khi bị thôi miên có thể khiến một cá nhân quên một số điều đã xảy ra trước hoặc trong khi thôi miên. Tuy nhiên, hiệu ứng này cũng thường ít xảy ra và mang tính chất tạm thời.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thôi miên không dẫn đến nâng cao và tăng độ chính xác của trí nhớ. Thậm chí, thôi miên có thể thật sự dẫn đến hiện tượng ký ức giả hoặc ký ức bị bóp méo (False or distorted memories).
Mọi người thường cảm thấy rằng hành động của họ trong trạng thái thôi miên dường như xảy ra mà chịu ảnh hưởng bởi ý thức của họ nhưng hãy nhớ rằng nhà thôi miên không thể khiến bạn thực hiện những hành động trái với mong muốn của bạn.
Mặc dù thôi miên có thể được sử dụng để nâng cao khả năng thực hiện một công việc hay nhiệm vụ (ví dụ như khả năng chịu đau đớn) nhưng nó không thể làm cho bạn trở nên mạnh mẽ và khỏe khoắn vượt ngoài khả năng thể chất vốn có của bạn.
Nguồn:
Verywellmind - What Is Hypnosis?
APA - About Hypnosis
University of Derby - History of Hypnosis