Liệu Pháp Sang Chấn Là Gì?

Liệu pháp sang chấn là một hình thức trị liệu có thể giúp bạn ứng phó với phản ứng cảm xúc do một sự kiện gây ra.

"Hơn 50% mọi người trải qua ít nhất một chấn thương trong đời. Chấn thương có thể bao gồm nhiều tình huống khác nhau, từ chấn thương nghiêm trọng, bạo lực tình dục và các sự kiện đe dọa tính mạng, đến lạm dụng lâu dài, bị bỏ rơi, bị bắt nạt và vô gia cư” theo Kelly Workman, PsyD, nhà tâm lý học tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia, người chuyên điều trị chấn thương.

Mặc dù không phải tất cả những người sống sót sau sang chấn đều phải trải qua những hậu quả tiêu cực lâu dài, nhưng những trải nghiệm chấn thương có thể ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động tâm lý, xã hội, thể chất, nghề nghiệp và tài chính của họ.

Hình thức trị liệu này có thể giúp bạn nếu bạn không thể ứng phó với chấn thương mà bạn đã trải qua hoặc nếu nó ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của bạn.

Các Loại Liệu Pháp Sang Chấn

Có nhiều loại liệu pháp có thể giúp điều trị chấn thương. Dưới đây là một số hình thức trị liệu mà chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể sử dụng để giúp bạn vượt qua các vấn đề liên quan đến chấn thương và điều trị chứng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD):

  • Phơi nhiễm kéo dài (PE) (Prolonged exposure): Hình thức trị liệu này gồm việc cho bạn tiếp xúc với nguồn gốc của nỗi sợ hãi, cho đến khi bạn không còn sợ nó nữa.

  • Liệu pháp xử lý nhận thức (CPT) (Cognitive processing therapy): CPT bao gồm việc thách thức quan điểm của bạn về lý do tại sao sự kiện đau buồn đó xảy ra cũng như những suy nghĩ và niềm tin mà bạn đã phát triển kể từ đó. Hình thức trị liệu này có thể được thực hiện trong môi trường cá nhân hoặc nhóm.

  • Liệu pháp nhận thức - hành vi tập trung vào sang chấn (TF-CBT) (Trauma-focused cognitive behavior therapy): Hình thức trị liệu này dành cho trẻ em và thanh thiếu niên. Nó có thể giúp giải quyết những niềm tin không chính xác và các kiểu hành vi không lành mạnh.

  • Giải mẫn cảm chuyển động nhãn cầu và tái nhận thức (EMDR) (Eye movement desensitization and reprocessing): Hình thức điều trị này bao gồm việc sử dụng kích thích nhịp nhàng từ trái sang phải (song phương) để giúp giải phóng những cảm xúc bị cản trở bởi chấn thương.

Theo Workman, PE và CPT là những phương pháp trị liệu hàng đầu cho chấn thương vì có nhiều bằng chứng nghiên cứu nhất chứng minh hiệu quả của chúng.

Workman cho biết: “Cả hai phương pháp điều trị có thể hoàn thành trong vòng ba đến bốn tháng, tương đối ngắn so với khoảng thời gian mà một số người phải trải qua do chấn thương,” Workman nói. Cô cũng lưu ý rằng cả hai phương pháp đều hoạt động hiệu quả khi điều trị tại chỗ và online.

Theo Workman, một ưu điểm của CPT là nó có thể được tiến hành dù có hoặc không có mô tả về chấn thương thực tế, điều này có thể hữu ích nếu bạn không nhớ về chấn thương hoặc không muốn nói về nó.

Hơn nữa, Workman cho biết TF-CBT và EMDR cũng có thể giúp giảm các triệu chứng PTSD, có thể dẫn đến cải thiện chức năng tổng thể và chất lượng cuộc sống.

Kỹ Thuật

Các kỹ thuật được sử dụng để điều trị chấn thương có thể khác nhau tùy thuộc vào từng loại liệu pháp. Workman đã chỉ ra một số kỹ thuật mà nhà trị liệu của bạn có thể áp dụng.

  • Tiếp xúc tưởng tượng (Imaginal exposure): Đây là một kỹ thuật tiếp xúc bạn dùng để tưởng tượng về chấn thương và mô tả nó thành lời với chuyên gia trị liệu của bạn. Nếu bạn đang trốn tránh những suy nghĩ hoặc ký ức liên quan đến chấn thương, kỹ thuật này sẽ giúp bạn đối mặt với nó.

  • Tiếp xúc in vivo (In vivo exposure): Đây cũng là một kỹ thuật điều trị phơi nhiễm. Nó xảy ra bên ngoài buổi trị liệu, trong các tình huống thực tế. Nó nhằm giúp bạn dần dần tiếp cận những tình huống hàng ngày mà bạn có thể tránh được do những tổn thương liên quan đến chúng.

  • Lời tường thuật (Written account): Chuyên gia trị liệu có thể yêu cầu bạn viết một bản tường trình mô tả về chấn thương mà bạn đã trải qua.

  • Tuyên bố tác động (Impact statement): Một kỹ thuật CPT phổ biến là viết một tuyên bố tác động giải thích tại sao bạn tin rằng sự kiện đau buồn xảy ra và tác động của nó đối với cuộc sống của bạn.

  • Các phương pháp tái cấu trúc nhận thức (Cognitive restructuring strategies): CPT cũng có thể bao gồm đến các phương pháp tái cấu trúc nhận thức giúp bạn thay đổi những suy nghĩ vô ích thành những suy nghĩ có ích hơn.

Liệu Pháp Sang Chấn Có Thể Có Ích Như Thế Nào?

Liệu pháp sang chấn có thể giúp bạn ứng phó với sang chấn, cho dù đó là một sự kiện đơn lẻ đã xảy ra hay một tình huống đang diễn ra hoặc kéo dài.

Đây là một số dạng chấn thương phổ biến mà liệu pháp có thể hỗ trợ; tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là chấn thương có thể bao gồm bất kỳ sự kiện hoặc trải nghiệm nào gây tổn thương về mặt tinh thần hoặc tâm lý.

  • Lạm dụng

  • Bỏ rơi

  • Tai nạn

  • Bắt nạt

  • Tội ác

  • Cái chết của một người thân yêu

  • Ly hôn

  • Lạm dụng hoặc bạo lực gia đình

  • Vô gia cư

  • Bệnh tật

  • Vào tù

  • Gặp chấn thương

  • Mất việc làm

  • Các trường hợp nguy hiểm đến tính mạng

  • Thảm họa thiên nhiên

  • Trải nghiệm cận kề cái chết

  • Bỏ bê

  • Phân biệt chủng tộc

  • Lạm dụng tình dục

  • Khủng bố

  • Bạo lực

  • Chứng kiến một tai nạn, cái chết hoặc tình huống đau thương

Workman nói: “Những người có xuất thân từ dân tộc thiểu số như BIPOC cũng có thể gặp chấn thương lịch sử, từ các sự kiện như chế độ nô lệ và thuộc địa, cũng như chấn thương giữa các thế hệ, do hậu quả của chấn thương được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác,” Workman nói.

Lợi ích của liệu pháp sang chấn

Liệu pháp sang chấn có thể giúp bạn giải quyết sự kiện đau buồn và những cảm xúc của bạn. Nó có thể cho bạn cơ hội đối mặt với nỗi sợ hãi của mình trong một không gian an toàn và học các kỹ năng ứng phó có thể giúp bạn hoạt động bình thường hàng ngày.

Giảm sợ hãi và tránh né

Chấn thương có thể khiến bạn sợ hãi và tránh xa những người, địa điểm hoặc những thứ nhắc nhở bạn về trải nghiệm đau thương, điều này có thể khiến bạn gặp khó khăn trong hoạt động hàng ngày. Ví dụ, một người bị tai nạn xe ô tô trên đường cao tốc có thể tránh lái xe trên đường cao tốc hoặc sợ lái xe ô tô.

Cải thiện kỹ năng ứng phó

PTSD và các vấn đề liên quan đến chấn thương được duy trì bởi những niềm tin có hại như ‘Tôi không có khả năng đối mặt với điều này.’ Liệu pháp sang chấn có thể giúp trang bị cho bạn sự tự tin và các kỹ năng ứng phó cần thiết.

Xây dựng lòng tin

Những sự kiện đau buồn có thể làm mất đi cảm giác an toàn và khiến bạn khó tin tưởng vào người khác.

Với việc trị liệu, ai đó có niềm tin là “Không an toàn khi tin tưởng bất cứ ai” có thể học cách bắt đầu suy nghĩ “Mặc dù tôi đã từng bị tổn thương trong quá khứ, nhưng hầu hết mọi người đều tốt và đáng tin cậy và tôi có thể cho họ một cơ hội.”

Thách thức những niềm tin có vấn đề

Trị liệu có thể giúp thách thức những kiểu suy nghĩ có vấn đề mà bạn có thể đã phát triển về bản thân và thế giới xung quanh, giúp bạn hiểu được lý do tại sao sự kiện đau buồn lại xảy ra.

Ví dụ, thay vì tin rằng “Tôi phải là người xấu vì những điều tồi tệ không xảy ra với người tốt”, hãy học cách nghĩ “Đôi khi điều tồi tệ xảy ra với những người tốt, những người không làm gì để gây ra nó. Tôi vẫn là một người tốt ngay cả khi điều gì đó tồi tệ xảy ra với tôi.”

Trị liệu có thể giúp xác nhận những niềm tin có vấn đề, giúp bạn phát triển quan điểm mới về trải nghiệm đau thương và giảm những cảm xúc liên quan đến chấn thương như xấu hổ và tội lỗi.

Cung cấp sự thấu hiểu

Những người từng trải qua chấn thương và nhiều lần được nói rằng trải nghiệm, đặc điểm hoặc phản ứng cảm xúc của họ là không hợp lý và không thể chấp nhận được, có thể bị tổn thương hơn nữa và phát triển những khó khăn kéo dài. Một ví dụ là bị đổ lỗi hoặc bạo hành bằng lời nói sau khi tiết lộ chấn thương của mình.

Trị liệu có thể giúp thấu hiệu trải nghiệm của bạn và mang lại sự hiểu biết và chấp nhận mà bạn cần để bắt đầu điều trị.

Mức Độ Hiệu Quả

Theo một nghiên cứu năm 2018, có một lượng đáng kể bằng chứng cho thấy các liệu pháp tập trung vào sang chấn như PE, CPT và CBT mà đối mặt với những ký ức, suy nghĩ và cảm xúc liên quan đến một sự kiện đau thương có thể điều trị PTSD một cách hiệu quả.

Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy những cựu chiến binh tham gia liệu pháp quản lý sang chấn đã giảm đáng kể các triệu chứng PTSD như tức giận, cảm giác tội lỗi, trầm cảm, khó ngủ và cô lập xã hội. Những ảnh hưởng có lợi này đã duy trì được thậm chí sáu tháng sau khi hoàn thành trị liệu.

Những Điều Cần Cân Nhắc

Theo Workman, một nhà trị liệu chấn thương có thể xem xét một số yếu tố khi đánh giá mức độ sẵn sàng của bạn đối với liệu pháp sang chấn, có thể bao gồm:

  • Mức độ cam kết: Cần phải có sự cam kết mạnh mẽ để hoàn thành việc trị liệu từ đầu đến cuối vì việc dừng giữa chừng thực sự có thể làm gia tăng các triệu chứng PTSD và khiến thân chủ mất niềm tin và né tránh các vấn đề liên quan đến chấn thương hơn.

  • Nguy cơ tự sát: Thân chủ không có ý định tự tử hoặc tự làm hại bản thân trong vòng hai tháng qua. Đối với những cá nhân có nguy cơ tự tử hoặc tự làm hại bản thân cao, có thể thực hiện PE kết hợp với Liệu pháp Hành vi Biện chứng (DBT). Vì an toàn là ưu tiên hàng đầu, nên DBT trước tiên sẽ được sử dụng để giải quyết mọi khuynh hướng tự tử hoặc tự làm hại bản thân trước khi bắt đầu trị liệu sang chấn.

  • Kỹ năng ứng phó: Người đó sẽ cần có các kỹ năng ứng phó để hoàn thành liệu pháp tiếp xúc (exposure therapy) một cách an toàn và hiệu quả. Kỹ năng ứng phó là cần thiết để quản lý cảm xúc mãnh liệt mà không dựa vào sự kìm hãm cảm xúc và các hành vi như sử dụng chất kích thích hoặc ngủ hết ngày.

Làm Thế Nào Để Bắt Đầu?

Nếu bạn đã trải qua một số dạng chấn thương và muốn tìm cách điều trị, hãy tìm một nhà trị liệu hoặc nhà tâm lý học chuyên về mảng trị liệu này.

Nếu bạn đã gặp một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các triệu chứng của bạn, họ có thể giới thiệu bạn đến một bác sĩ chuyên khoa. Nếu bạn là một cựu chiến binh, có các tổ chức địa phương và quốc gia cung cấp liệu pháp và nguồn hỗ trợ cho chấn thương và PTSD.

Đối với những người thuộc cộng đồng BIPOC và LGBTQ+, Workman nói rằng điều quan trọng là chia sẻ với một nhà trị liệu, người hiểu rõ về tác động của việc phân biệt đối xử, áp bức và bất bình đẳng và có thể chứng minh năng lực trong việc thảo luận về phân biệt chủng tộc, chấn thương liên quan đến chủng tộc, các vấn đề văn hóa và chấn thương lịch sử giữa các thế hệ.

Khi bạn liên hệ với chuyên gia điều trị chấn thương, ngoài việc hỏi chi tiết về thuốc, tiền sử bệnh và chương trình bảo hiểm của bạn, họ cũng có thể chẩn đoán bạn để xác định liệu trị liệu sang chấn có phù hợp với bạn ngay lúc này không và hình thức trị liệu nào sẽ hiệu quả nhất.

Bạn có thể làm việc với chuyên gia sức khỏe tâm thần của mình để quyết định mục tiêu của liệu pháp và lập kế hoạch trị liệu phù hợp.

Việc trải qua những cảm xúc như sốc và bị từ chối là điều hoàn toàn bình thường nếu bạn đã trải qua hoặc chứng kiến một điều gì đó khủng khiếp. Bạn cũng có thể bị đau đầu, buồn nôn, hồi tưởng và có những cảm xúc khó lường.

Tuy nhiên, nếu bạn không thể ứng phó với các triệu chứng đang gặp phải hoặc nếu chúng ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hàng ngày của bạn, liệu pháp sang chấn có thể hữu ích.

Liệu pháp sang chấn có thể giúp bạn xử lý sang chấn, đối mặt với nỗi sợ hãi và trang bị cho bạn các kỹ năng ứng phó để bạn có thể sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Nguồn: What Is Trauma Therapy? - Verywell Mind

Bài viết liên quan

Gọi cho tôi

Hãy gửi thông tin cho chúng tôi, nhân viên tư vấn của Viện sẽ liên hệ lại Quý khách trong vòng 24h. Thông tin của Quý khách chỉ để chúng tôi liên hệ và không gửi cho bên thứ ba.

Tài nguyên

Trắc nghiệm

https://tracnghiem.tamlyvietphap.vn/