7 Kỹ Thuật, Bài Thực Hành & Các Ẩn Dụ Về Liệu Pháp Trị Liệu Cam Kết - ACT

Một trong các phương pháp trị liệu tâm lý được biết đến rộng rãi chính là liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (Acceptance And Commitment Therapy), hay còn gọi tắt là ACT. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu 7 kỹ thuật, bài thực hành & các ẩn dụ về liệu pháp này.

Tổng Quan & Vai Trò Của Liệu Pháp ACT

Định nghĩa

Association for Contextual Behavioral Science (ACBS) đã định nghĩa ACT là "Một can thiệp tâm lý độc nhất dựa trên kinh nghiệm sử dụng các chiến lược chấp nhận và chánh niệm, cùng với các chiến lược cam kết và thay đổi hành vi để tăng tính linh hoạt về tâm lý.” ACBS xem ACT như một liệu pháp dựa trên quan niệm rằng đau khổ là điều tất yếu và không thể tránh khỏi của con người. Chúng ta có bản năng kiểm soát trải nghiệm của mình, nhưng bản năng này không phải lúc nào cũng phục vụ chúng ta. Hơn nữa, một số đau khổ mà chúng ta trải qua là không cần thiết và thậm chí có hại cho sức khỏe tâm thần của chúng ta.

Hay nói một cách đơn giản, ACT là một loại liệu pháp trị liệu tâm lý nhằm giúp bệnh nhân chấp nhận những gì nằm ngoài tầm kiểm soát của họ và thay vào đó cam kết thực hiện những điều làm phong phú thêm cuộc sống của họ (Harris, 2013).

Tham Khảo: Nghề trị liệu tâm lý

Bản chất & Vai trò

Liệu pháp Trị liệu Chấp nhận & Cam kết được xây dựng trên Lý thuyết Khung quan hệ, một lý thuyết dựa trên ý tưởng rằng khả năng liên hệ của con người là nền tảng của ngôn ngữ và nhận thức. Liệu pháp này có vai trò thay đổi và loại bỏ các mô hình tư duy và ngôn ngữ gây ra đau khổ cho chúng ta. ACT cung cấp các kỹ thuật để giúp con người ngừng cố gắng trốn tránh hoặc thao túng cảm xúc của chính họ, đồng thời học cách chấp nhận trải nghiệm nội tâm của họ và áp dụng năng lượng của họ vào các giải pháp thực tế cho vấn đề của mình.

7 Kỹ Thuật, Bài Thực Hành & Các Ẩn Dụ Về Liệu Pháp Trị Liệu Chấp Nhận & Cam Kết - ACT

  1. Tập Viết Để Chấp Nhận (Writing Acceptance Exercise - Matthieu Villatte)

Đây là một bài tập nhanh giúp thân chủ hiểu rằng việc tránh né vấn đề có thể phản tác dụng như thế nào. Bài tập này được xây dựng bằng cách cho thân chủ viết trên giấy nhưng trước đó dùng một chướng ngại vật để hạn chế tầm nhìn của họ đối với những gì trước mắt họ. Ở lần đầu tiên, hãy để họ chú ý đến chướng ngại vật và “vật lộn” với nó để viết câu trong 20 – 30s. Lần thứ hai, hãy đề nghị họ chấp nhận và ngừng quan sát chướng ngại vật, chỉ tập trung vào viết câu. Sau đó, khi cho họ xem kết quả và để họ nhận thấy rằng câu ở lần thứ 2 được viết đẹp và dễ đọc hơn câu ở lần đầu, từ đó giúp họ tạo ra mối liên hệ giữa việc tránh trở ngại vật lý và tránh những nỗi đau về tình cảm, và những hậu quả tiêu cực của mỗi trở ngại.

  1. Bài Tập Hai Mặt Của Một Đồng Xu (Two sides of the same coin - Jenna LeJeune)

Bài tập này có thể được hướng dẫn bởi chuyên gia trị liệu tâm lý hoặc thân chủ có thể tự thực hiện nó, nhằm giúp thân chủ hiểu rằng đau khổ là một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống, nếu loại bỏ đau khổ, chúng ta cũng sẽ đồng thời loại bỏ niềm vui. Bài tập này được thực hiện bằng cách giúp thân chủ tìm một hoạt động hữu ích mà họ đã không tham gia. Dùng một tấm thẻ, một mặt viết những niềm vui và những giá trị thân chủ kỳ vọng có được, mặt còn lại viết những khó khăn mà thân chủ phải đối mặt nếu tham gia hoạt động. Để thân chủ mang tấm thẻ bên cạnh trong một tuần và giúp họ hiểu rằng họ có thể sẵn sàng chấp nhận hai mặt của một vấn đề thay vì né tránh cả hai.

  1. Bài Tập Chánh Niệm Về Cảm Xúc (Mindfulness of Emotions - Carol Vivyan)

Đây là một kỹ thuật chánh niệm có thể xoa dịu những cảm xúc tiêu cực và dữ dội. Nó giúp làm mới sự tập trung của thân chủ vào sự chấp nhận và những hành động tích cực hướng về các giá trị của họ. Thân chủ sẽ thực hiện bài tập bằng cách ngồi tại một nơi yên tĩnh, chú ý tập trung vào hơi thở của mình thay vì điều khiển nó. Thăm dò nhẹ nhàng những cảm xúc mà họ đang cảm thấy và mô tả chúng. Nhận biết những suy nghĩ và những phán xét xuất hiện trong đầu nhưng hãy để chúng qua đi, thay vào đó quay lại tập trung vào nhịp thở và tiếp tục thăm dò cảm xúc. Kỹ thuật này có thể tạo ra hiệu quả tốt nhất khi bắt đầu từ những cảm xúc nhỏ và hướng đến những cảm xúc mãnh liệt hơn.

  1. Bài Tập - Bảng Các Định Hướng Có Giá Trị (The Valued Directions Worksheet - John Forsyth & Georg Eifert)

Bảng bao gồm 10 giá trị để người đọc xem xét:

  • Công việc / sự nghiệp

  • Các mối quan hệ thân mật

  • Nuôi dạy con cái

  • Giáo dục / học tập / phát triển bản thân

  • Bạn bè / đời sống xã hội

  • Sức khỏe / tự chăm sóc thể chất

  • Gia đình gốc (hoặc các mối quan hệ khác ngoài hôn nhân hoặc nuôi dạy con cái)

  • Đời sống cộng đồng, tâm linh / môi trường / thiên nhiên

  • Nghỉ ngơi / Rảnh rỗi

Bài tập yêu cầu người thực hiện đánh giá mức độ quan trọng của từng giá trị theo các mức từ không quan trọng đến rất quan trọng (0-2) và mức độ hài lòng của họ đối với từng lĩnh vực từ mức không hài lòng đến rất hài lòng (0-2)

Sau khi hoàn thành việc xếp hạng, bài tập yêu cầu người đọc xem lại bất kỳ giá trị nào được xếp hạng 1 hoặc 2 và viết ra ý định của họ ở khía cạnh đó trong tương lai gần. Nói cách khác, hãy viết ra những gì họ muốn đạt được, duy trì hoặc trở thành tương ứng với giá trị quan trọng với họ, từ đó giúp làm rõ điều gì là quan trọng và cần được ưu tiên trong cuộc sống của họ. Bài tập này nên có chuyên gia trị liệu hoặc chuyên gia đủ trình độ để thảo luận về kết quả và các mục tiêu có thể thực hiện được.

  1. Phép Ẩn Dụ Thuyền Buồm (The Sailing Boat Metaphor)

Bài tập này là một phép ẩn dụ lấy bối cảnh của một chiếc thuyền buồm nhỏ và thân chủ là thủy thủ. Ở liên tưởng đầu tiên nhà trị liệu cho phép thân chủ nghĩ rằng họ đang ở trên con thuyền, thỉnh thoảng có vài con sóng nhỏ tạt nước lên sàn làm họ sợ ướt chân, vì vậy họ không hành động gì và con thuyền trôi lang thang vô định. Liên tưởng thứ hai khiến họ tưởng tượng ra cảnh một con sóng lớn té đầy nước vào chiếc thuyền của họ, lúc này – với chiếc gàu tát nước có sẵn trên thuyền – họ phải liều mình tát nước ra. Sau đó hãy để họ nhận ra rằng, chiếc gàu tát nước thực chất là một chiếc rây bột với đầy lỗ thủng và trong khi họ tát nước, thực chất họ đã đang chèo lái con thuyền theo một hướng cụ thể. Và đương nhiên, khi đó chân họ đã bị ướt. Từ đó, phép ẩn dụ giúp thân chủ nhận ra rằng cách thức để họ đối diện với vấn đề của họ cũng tương tự như các “công cụ” họ sử dụng để “tát nước” và việc luôn bất an, lo sợ những chuyện nhỏ (như việc sợ ướt chân) mà không dám đối diện với nó mới làm họ lạc lối và đó mới chính là thứ cản đường họ đạt được mục tiêu chứ không phải những con sóng.

  1. Phép Ẩn Dụ Kẻ Bắt Nạt Tâm Trí (The Mind Bully Metaphor)

Phép ẩn dụ này dành cho những người đang đấu tranh với một cảm xúc hoặc chẩn đoán cụ thể, chẳng hạn như tức giận, lo âu hoặc trầm cảm. Chúng ta và kẻ bắt nạt tâm trí, mỗi người cầm một đầu dây, ở giữa hai người là một hố sâu và kẻ bắt nạt đang cố kéo ta rơi xuống hố. Lúc này, nếu ta cứ giằng co với nó, chúng ta chỉ đang làm nó mạnh lên. Tuy vậy, hãy tưởng tượng rằng nếu chúng ta buông sợi dây. Lúc này, kẻ bắt nạt tâm trí vẫn ở đó, nhưng nó không thể kéo chúng ta xuống hố được nữa. Thực chất, kẻ bắt nạt tâm trí chính là vấn đề của chúng ta, nếu chúng ta luôn tham gia vào nó, hưởng ứng nó, nó sẽ càng làm chúng ta lo lắng và đau khổ. Thay vì vậy, hãy ghi nhận nhưng chuyển sự chú ý ra khỏi nó để tránh những suy nghĩ tiêu cực và buồn bã.

  1. Phép Ẩn Dụ Cát Lún (The Quicksand Metaphor)

Khi rơi vào một hố cát lún, càng vùng vẫy chỉ càng khiến con người chìm sâu hơn. Thay vì cố gắng đứng thẳng, hãy bỏ qua bản năng vùng vẫy và nằm ngửa, dàn đều trọng lượng cơ thể trên mặt cát. Nguyên tắc tương tự này áp dụng cho sự đau khổ và biết khi nào cần giúp đỡ. Nhà trị liệu tâm lý sẽ giúp thân chủ hiểu rằng càng đấu tranh và chống lại, chúng ta càng tự kéo mình xuống sâu hơn.

Tham Khảo: Tổng quan về liệu pháp CBT

Kết Lại

Liệu pháp Trị Liệu Chấp nhận & Cam kết là một liệu pháp có tính ứng dụng cao trong trị liệu tâm lý. Mỗi chúng ta có thể áp dụng một khía cạnh nhỏ của liệu pháp để giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, nếu bạn gặp phải những vấn đề phức tạp, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia trị liệu tâm lý. 

Nguồn:

Positive Psychology - How Does Acceptance And Commitment Therapy (ACT) Work?

Related articles

Call to Action

Don’t hesitate to contact us. Our employees will contact you again in 24 hours. Your information will strictly be restricted for us to contact you and will not be leaked to any third parties.