Hiểu Về Trầm Cảm Chu Sinh (Trước Đây Là Trầm Cảm Sau Sinh)

Trầm cảm chu sinh là một trong các rối loạn trầm cảm phổ biến ở phụ nữ; đặc trưng bởi trạng thái trầm buồn và/hoặc mất đi sự hứng thú với các hoạt động được ưa thích trước đây. 

Trầm Cảm Chu Sinh Là Gì?

Trầm cảm chu sinh (perinatal depression) là một dạng rối loạn tâm trạng xảy ra trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh con, được đặc trưng bởi các triệu chứng như cảm giác cực kì buồn bã, thờ ơ và/hoặc lo lắng, cũng như những thay đổi trong giấc ngủ, cảm giác thèm ăn và năng lượng. 

Trước đây, chúng ta thường biết tới vấn đề này thông qua cụm từ “trầm cảm sau sinh” (postpartum depression). Tuy nhiên, thuật ngữ này chỉ bao hàm tình trạng trầm cảm xảy ra sau khi sinh con, trong khi trầm cảm liên quan đến việc sinh con có thể bắt đầu trong thời kỳ mang thai của người mẹ. Do đó, khái niệm “trầm cảm chu sinh” mang tính chất khái quát và đầy đủ hơn.

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trầm cảm chu sinh có thể dẫn tới các rối loạn tâm thần sau sinh (chẳng hạn như suy nghĩ lẫn lộn, cảm xúc không ổn định, ảo giác, hoang tưởng,…). Nghiêm trọng hơn, các bà mẹ mắc trầm cảm chu sinh có nguy cơ tự tử cao trong giai đoạn hậu sản, đặc biệt là những người đã mắc các rối loạn tâm thần khác và có dùng chất gây nghiện. Ngoài ra, việc gây hại/sát hại đứa trẻ là mối đe dọa nghiêm trọng nhất của trầm cảm chu sinh nặng. Sản phụ có thể làm hại con mình chỉ trong vòng 24 tiếng đầu tiên sau sinh (neonaticide) hoặc sau đó đến khi đứa trẻ được một tuổi (infanticide). Vì vậy, trầm cảm chu sinh là vấn đề không thể xem nhẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh con.

Làm Thế Nào Để Nhận Biết Trầm Cảm Chu Sinh?

Trầm cảm chu sinh được biểu hiện ở nhiều mức độ, xảy ra ở 15 - 85% sản phụ. Theo thống kê của CDC Hoa Kỳ, cứ 8 phụ nữ sinh con thì có 1 người mắc trầm cảm chu sinh. Tại Việt Nam, dữ liệu thống kê từ năm 2010 - 2020 cho thấy tỷ lệ phụ nữ mắc rối loạn này tại thời điểm 1 - 12 tháng sau sinh dao động từ 8.2 - 48.1%.

Những triệu chứng phổ biến thường gặp của trầm cảm chu sinh bao gồm:

  • Cảm thấy buồn hoặc có tâm trạng chán nản

  • Mất hứng thú hoặc niềm vui trong các hoạt động từng yêu thích

  • Thay đổi khẩu vị

  • Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều

  • Mất năng lượng hoặc cảm thấy vô cùng mệt mỏi

  • Tăng hoạt động thể chất không mục đích (Ví dụ: Không thể đứng yên, đi đi lại lại, vặn tay) hoặc cử động/nói chậm lại - những hành động này phải đủ nghiêm trọng để người khác có thể dễ dàng nhận thấy được

  • Cảm thấy vô dụng hoặc cảm thấy tội lỗi

  • Khó khăn trong việc suy nghĩ, tập trung hay đưa ra quyết định

  • Xuất hiện những suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử 

  • Khóc không có lý do

  • Thiếu quan tâm đến em bé, không cảm thấy gắn bó với em bé hoặc cảm thấy rất lo lắng về/xung quanh em bé

  • Cảm giác bản thân là một người mẹ tồi

  • Sợ làm hại em bé hoặc chính mình

LƯU Ý: Các triệu chứng được nêu chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn nghi ngờ bản thân hoặc người nhà mắc trầm cảm chu sinh, hãy tìm gặp nhà chuyên môn như bác sĩ tâm thần hay nhà tâm lý tại các cơ sở đánh giá & điều trị tâm lý/tâm thần uy tín để có kết luận chính xác.

Chẩn Đoán Trầm Cảm Chu Sinh

Trên thực tế, không dễ để một người không có chuyên môn tâm lý nhận biết một người đang mắc trầm cảm chu sinh, các dấu hiệu có thể trùng lặp với các rối loạn cảm xúc thông thường như mất ngủ, mệt mỏi, lo lắng, ăn uống kém,… Bất kỳ phụ nữ nào đang mang thai hoặc mới sinh con đều có thể trải qua những cảm xúc này. Do đó, việc tiếp cận chẩn đoán kịp thời đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Sản phụ có thể khởi phát các triệu chứng kể trên trong thời kỳ mang thai hoặc trong 4 tuần sau khi sinh, nhưng các triệu chứng đó không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cho một giai đoạn của trầm cảm. Trong trường hợp đó, trầm cảm chu sinh có thể được chẩn đoán. 

Giai đoạn khởi phát trầm cảm chu sinh có thể có hoặc không có các đặc điểm của chứng loạn thần. Việc gây hại/sát hại đứa trẻ thường liên quan tới các giai đoạn loạn thần sau sinh, chẳng hạn như ảo giác có ai đó ra lệnh sát hại đứa trẻ, hay ảo giác rằng trẻ bị “nhập”. Dù vậy, các chứng loạn thần cũng có thể xảy ra trong giai đoạn trầm cảm nặng sau sinh mà sản phụ không hề có những ảo giác cụ thể như trên. Nếu một người phụ nữ đã trải qua giai đoạn sau sinh với các biểu hiện loạn thần, nguy cơ tái phát ở mỗi lần sinh nở tiếp theo là từ 30% đến 50%.

Như đã đề cập ở trên, trầm cảm chu sinh cần được đánh giá một cách cẩn thận bởi các nhà chuyên môn. Thế nhưng, khó có thể xác định chính xác thời điểm khởi phát của trầm cảm chu sinh, cũng như phương pháp đánh giá để có thể phát hiện sớm. Đặc biệt khi các dấu hiệu như mệt mỏi, thay đổi cảm xúc, thiếu ngủ hay ăn uống kém là những biểu hiện thường xảy ra ở phụ nữ mang thai và sau sinh. Hội Sản Phụ khoa khuyến cáo thời điểm lý tưởng để kiểm tra và đánh giá là trong khoảng 2 tuần đến 6 tháng sau sinh, bởi thời điểm khởi phát trầm cảm cao nhất là khoảng 90 ngày sau sinh.

Những Yếu Tố Có Thể Dẫn Đến Trầm Cảm Chu Sinh

Yếu tố sinh học

Bất kỳ người phụ nữ nào đang mang thai/mới sinh con đều có thể gặp các triệu chứng trầm cảm chu sinh hay các rối loạn khác. Những thay đổi nhanh chóng về giới tính, hormone gây căng thẳng và nồng độ hormone tuyến giáp trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh có tác động mạnh mẽ đến tâm trạng và có thể góp phần gây ra trầm cảm chu sinh. Một số yếu tố rủi ro khác bao gồm những thay đổi về thể chất liên quan đến mang thai, sinh con trong phòng chăm sóc đặc biệt (NICU) hay các biến chứng y tế đối với sản phụ hoặc đứa trẻ.

Yếu tố cá nhân

Trong số các yếu tố cá nhân, trình độ học vấn thấp được coi là yếu tố nguy cơ của trầm cảm chu sinh. Đặc biệt, những bà mẹ có trình độ học vấn tiểu học hoặc trung học cơ sở có nguy cơ mắc trầm cảm chu sinh cao hơn so với những bà mẹ có trình độ học vấn trung học phổ thông. Việc thiếu kiến thức và kinh nghiệm về trầm cảm chu sinh hay tâm lý làm mẹ chưa được chuẩn bị tốt, không hài lòng với cuộc sống mới sau khi sinh cũng là những yếu tố cá nhân có thể gây ra trầm cảm chu sinh ở các sản phụ. Bên cạnh đó, sản phụ có nguy cơ mắc trầm cảm chu sinh cao hơn nếu trước đây người đó (hoặc người thân trong gia đình) đã từng có tiền sử mắc trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần khác.

Yếu tố gia đình

Yếu tố gia đình có thể dẫn tới trầm cảm chu sinh. Trong đó, việc thiếu sự hỗ trợ của gia đình và mối quan hệ kém với các thành viên là hai yếu tố quan trọng. Một nghiên cứu liên quan đến văn hóa Trung Quốc cũng chỉ ra rằng phụ nữ có thể dễ bị tổn thương hơn trước sự hỗ trợ của gia đình sau khi sinh do những thay đổi về sinh lý và tâm lý. Những bà mẹ chăm sóc con ốm có nhiều khả năng mắc trầm cảm chu sinh cao hơn. Ngoài ra, phụ nữ bị chồng bạo hành về thể chất, tinh thần và tình dục cũng có nguy cơ cao mắc trầm cảm chu sinh. Đặc biệt, ở môi trường văn hóa Việt Nam, việc người chồng ưa thích con trai cũng là một yếu tố rủi ro có thể gây ra trầm cảm chu sinh ở người vợ.

Yếu tố môi trường

Liên quan đến các yếu tố môi trường, những sự kiện căng thẳng trong cuộc sống (chẳng hạn như cú sốc về kinh tế) có mối liên hệ chặt chẽ với trầm cảm chu sinh ở những bà mẹ mới sinh. Ở Việt Nam, những sản phụ sinh sống ở khu vực nông thôn và thiếu sự hỗ trợ/phản ứng xã hội có nguy cơ mắc trầm cảm chu sinh cao hơn từ 2 đến 4 lần so với phụ nữ ở thành phố và có đầy đủ hỗ trợ xã hội. Đặc biệt, các tục lệ truyền thống ở Việt Nam (chẳng hạn như ở cữ, bắt buộc giữ ấm cơ thể, không được tắm,…) kéo dài lâu ngày là những yếu tố nguy cơ gây ra trầm cảm chu sinh ở phụ nữ nước ta. Bên cạnh đó, những thay đổi trong các mối quan hệ và tại môi trường làm việc sau khi sinh hay sự lo lắng về việc nuôi dạy con cái và thiếu ngủ cũng có thể góp phần gây ra trầm cảm chu sinh.

Điều Trị Tâm Lý Cho Phụ Nữ Mắc Trầm Cảm Chu Sinh

Trị liệu tâm lý

Bên cạnh việc sử dụng thuốc để đối phó với những triệu chứng bệnh lý, các liệu pháp tâm lý cung cấp cho cá nhân những kiến thức và kỹ năng ứng phó với trầm cảm chu sinh. Có 2 liệu pháp được sử dụng phổ biến là liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT) và liệu pháp tương tác cá nhân (IPT). CBT tập trung vào cách nhìn, kiểu suy nghĩ tiêu cực có thể ảnh hưởng đến tâm trạng; từ đó giúp cá nhân thực hiện những thay đổi tích cực trong suy nghĩ và hành vi. Trong khi đó, IPT tập trung vào cách cá nhân tương tác với những người khác; qua đó giúp cá nhân thực hiện những thay đổi tích cực trong mối quan hệ liên cá nhân của họ. Cả 2 liệu pháp này đều có hiệu quả lâu dài trong điều trị trầm cảm nói chung và trầm cảm chu sinh nói riêng.

Hỗ trợ từ những người xung quanh

Sự động viên của bạn bè, người thân và đặc biệt là người chồng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị trầm cảm chu sinh. Đối với sản phụ mắc rối loạn này, sự gắn kết này giúp họ chiến đấu và vượt qua những khoảnh khắc tồi tệ. Do đó, gia đình, bạn bè cần thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, gần gũi với người phụ nữ, giúp họ giảm bớt cảm giác cô đơn cũng như hạn chế áp lực và mệt mỏi sau sinh.

Nếu bạn cảm thấy mình đang có những triệu chứng của trầm cảm chu sinh, hoặc có những băn khoăn về phương pháp điều trị các vấn đề tâm lý phù hợp, hãy liên hệ Viện Tâm lý Việt - Pháp qua Hotline: 0977.729.396 để được tư vấn cụ thể. 

Tham khảo:

[1] Trầm cảm sau sinh. https://hosrem.org.vn/public/frontend/upload/YHSS_44/12.pdf

[2] Perinatal Depression (formerly Postpartum). https://www.psychiatry.org/patients-families/peripartum-depression

[3] The Rate and Risk Factors of Postpartum Depression in Vietnam From 2010 to 2020: A Literature Review. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8578872/

[4] Diagnostic and statistical manual of mental disorders _ DSM-5. https://repository.poltekkes-kaltim.ac.id/657/1/Diagnostic%20and%20statistical%20manual%20of%20mental%20disorders%20_%20DSM-5%20(%20PDFDrive.com%20).pdf

[5] Perinatal Depression. https://www.nimh.nih.gov/health/publications/perinatal-depression#:~:text=Perinatal%20depression%20includes%20depression%20that,after%20the%20baby%20is%20born

-----------------------------

Viện Tâm lý Việt - Pháp

Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy

Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Landmark 81 & Landmark Plus, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P. 22, Q. Bình Thạnh

Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)

Email: info@tamlyvietphap.vn

Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn

Related articles

Call to Action

Don’t hesitate to contact us. Our employees will contact you again in 24 hours. Your information will strictly be restricted for us to contact you and will not be leaked to any third parties.