Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn phổ biến ở trẻ em, đặc trưng bởi tăng động, giảm chú ý và xung động, dẫn đến suy giảm các chức năng cá nhân, xã hội, học tập và làm việc.
Rối Loạn Tăng Động Giảm Chú Ý (ADHD) Là Gì?
Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit/hyperactivity disorder - ADHD) là một dạng rối loạn phát triển thần kinh - nhóm các rối loạn khởi phát trong thời kỳ phát triển (thường trước tuổi đến trường). ADHD là một hội chứng đặc trưng bởi sự tăng động (hiếu động thái quá), giảm chú ý và xung động, dẫn đến sự khiếm khuyết trong các chức năng cá nhân, xã hội, học tập và làm việc.
ADHD được coi là một rối loạn đặc trưng ở trẻ em, tuy nhiên, các biểu hiện của rối loạn này vẫn có thể kéo dài tới tuổi trưởng thành. ADHD có liên quan mật thiết tới các vấn đề cảm xúc và suy giảm chức năng xã hội, chẳng hạn như khả năng đối phó với căng thẳng kém; khả năng giao tiếp, đồng cảm với người khác kém; có xu hướng bắt nạt người khác, bỏ học, thất nghiệp; thường có liên quan tới các tai nạn (đặc biệt là tai nạn giao thông); dễ lạm dụng các chất kích thích,… Những biểu hiện này có thể ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người mắc ADHD, và trên thực tế, họ có tỷ lệ tự tử cao so với những người không mắc rối loạn này. Bên cạnh những hệ quả tiêu cực, một số nghiên cứu cũng cho thấy người trưởng thành mắc ADHD có thể có đặc điểm kinh doanh tốt hơn, dễ chấp nhận rủi ro hơn, cởi mở với trải nghiệm mới và có tính sáng tạo hơn.
Các Phân Nhóm
Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Ấn bản lần thứ Năm (DSM-5), có 3 dạng ADHD chủ yếu, bao gồm:
1. Rối loạn tăng động giảm chú ý - thể giảm chú ý là chủ yếu
2. Rối loạn tăng động giảm chú ý - thể tăng động/xung động là chủ yếu
3. Rối loạn tăng động giảm chú ý - thể kết hợp
Dấu Hiệu Và Triệu Chứng Của ADHD
Dấu hiệu đặc trưng của ADHD là sự xuất hiện dai dẳng của giảm chú ý và/hoặc tăng động, xung động, ảnh hưởng đến chức năng hoặc sự phát triển của cơ thể, gây cản trở trong sinh hoạt, học tập và làm việc.
- Sự giảm chú ý được biểu hiện thông qua việc dễ sao nhãng khi thực hiện nhiệm vụ, thiếu kiên trì và khó tổ chức công việc.
- Sự tăng động được thể hiện qua các hành vi như hoạt động/vận động quá mức trong tình huống không phù hợp, chơi ồn ào hoặc nói quá nhiều.
- Hành vi xung động có thể được thể hiện qua việc làm gián đoạn/làm phiền người khác (social intrusiveness) và/hoặc đưa ra các quyết định quan trọng mà không xem xét hậu quả của nó. Cần lưu ý rằng các hành vi kể trên không xuất phát từ nguyên nhân cá nhân chống đối hoặc thiếu hiểu biết.
Như đã nhắc tới ở trên, mặc dù ADHD được coi là một rối loạn đặc trưng ở trẻ em, tuy nhiên, có nhiều trường hợp đã ghi nhận rằng các dấu hiệu của ADHD vẫn kéo dài đến tuổi trưởng thành. Với mỗi đặc điểm lứa tuổi khác nhau, các triệu chứng cụ thể của ADHD đều có sự khác biệt nhất định (Xem Bảng 1).
Bảng 1: Một số triệu chứng ADHD theo các giai đoạn/lứa tuổi
* Triệu chứng cơ năng: là các triệu chứng, cảm giác mà chỉ cá nhân mắc ADHD mới cảm nhận được; những người xung quanh không thể quan sát hoặc ghi nhận được một cách khách quan.
Trong khi tăng động quá mức được thể hiện thông qua các hành vi ở trẻ nhỏ, biểu hiện tăng động ở người lớn thường là các cảm giác bồn chồn và lo lắng. Do đó, ADHD ở người lớn thường khó chẩn đoán hơn.
LƯU Ý: Các triệu chứng được nêu chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn nghi ngờ bản thân hoặc trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý, hãy tìm gặp nhà tâm lý tại các cơ sở đánh giá & điều trị tâm lý/tâm thần uy tín để có kết luận chính xác.
Đánh Giá Và Chẩn Đoán ADHD
Dữ liệu phân tích tổng hợp cho thấy tỷ lệ mắc ADHD trên toàn thế giới ở trẻ em và thanh thiếu niên vào khoảng 5-7%. Mặc dù các triệu chứng ADHD có sự cải thiện vào cuối thời kỳ vị thành niên, nhưng khoảng 30% trẻ được chẩn đoán ADHD trước đó tiếp tục xuất hiện các triệu chứng giảm chú ý, mất tổ chức hay hành động bột phát, xung động lúc trưởng thành.
DSM-5 đưa ra các tiêu chuẩn chẩn đoán ADHD như sau:
GIẢM CHÚ Ý: Có ít nhất 6 trong 9 triệu chứng dưới đây, kéo dài ít nhất 6 tháng
1. Khó chú ý kỹ lưỡng vào các chi tiết, dẫn tới các sai sót do bất cẩn;
2. Khó duy trì chú ý trong các nhiệm vụ hoặc hoạt động;
3. Khó lắng nghe người khác;
4. Thường không thể làm theo toàn bộ những chỉ dẫn hoặc hoàn thành các nhiệm vụ hoặc hoạt động (không phải vì chống đối hoặc không hiểu được các chỉ dẫn);
5. Khó tổ chức công việc và các hoạt động;
6. Thường né tránh, không thích hoặc miễn cưỡng thực hiện những công việc cần nỗ lực tinh thần nhiều (chẳng hạn như làm bài tập về nhà);
7. Thường làm mất các dụng cụ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ hoặc hoạt động (chẳng hạn như đồ dùng học tập);
8. Dễ bị sao nhãng bởi các kích thích bên ngoài môi trường;
9. Hay quên các hoạt động hàng ngày.
TĂNG ĐỘNG/XUNG ĐỘNG: Có ít nhất 6 trong 9 triệu chứng dưới đây, kéo dài ít nhất 6 tháng
1. Ngọ ngoậy tay chân liên tục hoặc không ngồi yên được một chỗ;
2. Rời khỏi chỗ không đúng lúc (chẳng hạn ra khỏi chỗ tự do như trong lớp học);
3. Thường chạy hoặc leo trèo (chủ yếu ở trẻ em) hoặc có cảm giác bồn chồn (chủ yếu ở thanh thiếu niên và người lớn) trong các tình huống không phù hợp;
4. Khó giữ yên lặng trong các hoạt động;
5. Thường “di chuyển không ngừng”, hoạt động như “được gắn động cơ”;
6. Thường nói quá nhiều ở những tình huống không phù hợp;
7. Thường đưa ra câu trả lời một cách nhanh chóng (buột miệng) trước khi câu hỏi kết thúc;
8. Khó đợi đến lượt trong các trò chơi hoặc hoạt động (chẳng hạn như xếp hàng);
9. Thường làm gián đoạn người khác hoặc chen ngang (chẳng hạn như ngắt lời hoặc chen hàng).
Trong đó, một số triệu chứng về giảm chú ý hoặc hiếu động thái quá xuất hiện trước 12 tuổi; đồng thời xuất hiện ở hai môi trường trở lên (Ví dụ: Ở nhà, trường học hoặc nơi làm việc; với bạn bè và người thân,…). Cần có bằng chứng rõ ràng cho thấy các triệu chứng kể trên gây cản trở hoặc làm giảm chất lượng hoạt động xã hội, học tập hoặc nghề nghiệp của cá nhân.
Một điều cần chú ý ở đây là các triệu chứng xuất hiện không phải bắt nguồn từ nguyên nhân là các rối loạn tâm thần khác (Ví dụ: Rối loạn tâm trạng, rối loạn lo âu, rối loạn phân ly, rối loạn nhân cách, nhiễm độc hoặc cai nghiện chất).
LƯU Ý: Các triệu chứng được nêu chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn nghi ngờ bản thân hoặc người nhà mắc rối loạn tăng động giảm chú ý, hãy tìm gặp nhà chuyên môn như bác sĩ tâm thần hay nhà tâm lý để có kết luận chính xác.
Nguyên Nhân Và Các Yếu Tố Nguy Cơ Dẫn Đến ADHD
Yếu tố sinh học
ADHD có nguồn gốc di truyền khá rõ ràng. Các nghiên cứu song sinh đã chứng minh hệ số di truyền của rối loạn này ở mức 70-80% ở cả trẻ em và người lớn. Một số vấn đề về chức năng vỏ não, cấu trúc não bộ hay các chất dẫn truyền thần kinh cũng có liên quan đến việc hình thành ADHD.
Bên cạnh đó, các yếu tố từ môi trường bên ngoài cũng có thể là nguy cơ gây ra ADHD, chẳng hạn như nhẹ cân, sinh non; phơi nhiễm với căng thẳng của mẹ từ trong tử cung; người mẹ mắc béo phì, tăng huyết áp hay hút thuốc lá, sử dụng thuốc hoặc chất kích thích trong thời gian mang thai; nhiễm độc chì hoặc thuốc trừ sâu; thiếu hụt/dư thừa dinh dưỡng.
Yếu tố tâm lý, xã hội
Nhiều yếu tố tâm lý, xã hội cũng có liên quan đến ADHD, có thể kể đến như căng thẳng trong gia đình, bất hòa trong hôn nhân, nghèo đói, bạo hành gia đình, bố/mẹ là tội phạm… Đặc biệt, phong cách nuôi dạy con cái của phụ huynh (nuôi dạy con quá khắc nghiệt hay ít động viên con) cũng có thể là một tác nhân tiềm ẩn dẫn tới rối loạn này. Hơn nữa, những trẻ mắc ADHD với những biểu hiện thiếu chú ý, tăng động, xung động thường gặp phải các phản ứng tiêu cực từ cha mẹ và những người xung quanh. Những xung đột trong các mối quan hệ này có thể dẫn đến các phản ứng tâm lý như trầm cảm, tự trọng thấp, nổi loạn và thiếu kỹ năng giao lưu với bạn bè đồng trang lứa; khiến các triệu chứng ADHD càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Các Phương Pháp Điều Trị Và Kiểm Soát ADHD
Điều trị bằng thuốc
Các loại thuốc kích thích thần kinh được cho là có hiệu quả và thường được sử dụng nhằm mục đích trị liệu ADHD. Thuốc giúp can thiệp và bình thường hóa chức năng của các chất dẫn truyền thần kinh, tăng hoạt động thần kinh ở vỏ não trước, từ đó giúp người mắc ADHD có thể tăng sự chú ý và giảm xung động. Tuy nhiên, thuốc kích thích thần kinh có thể đem lại một số tác dụng phụ như mất ngủ, nhức đầu, cáu gắt, kích động, hồi hộp, run, chán ăn, buồn nôn và sụt cân; thậm chí có thể gây chậm phát triển ở trẻ. Do đó, cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc và chỉ được dùng thuốc khi có sự tư vấn và kê đơn của bác sĩ lâm sàng.
Trị liệu tâm lý xã hội và hành vi
Các biện pháp can thiệp hành vi, đặc biệt là tập huấn kỹ năng cho cha mẹ về hành vi và can thiệp hành vi trong lớp học, đem lại hiệu quả cao giúp thuyên giảm triệu chứng của ADHD trong cả ngắn hạn và dài hạn.
- Hoạt động tập huấn kỹ năng cho cha mẹ đề cập đến việc người có chuyên môn hỗ trợ và dạy cha mẹ về các chiến lược củng cố và kỷ luật hiệu quả để đối phó với các hành vi liên quan đến ADHD ở trẻ;
- Can thiệp hành vi trong lớp học bao gồm các kỹ thuật quản lý hành vi cho giáo viên, chẳng hạn như xếp trẻ mắc ADHD ngồi gần bàn giáo viên, chia nhỏ các bài tập, ghi giấy nhắc nhở nhiệm vụ,…
Điều này giúp trẻ cảm thấy có động cơ, tăng cảm nhận hiệu quả của bản thân, từ đó giảm thiểu các triệu chứng của rối loạn này. Tuy nhiên, cần cân nhắc tới các đặc điểm cá nhân của trẻ, hoàn cảnh xã hội và gia đình trẻ để có thể kết hợp và điều phối các biện pháp khác nhau, để việc điều trị có hiệu quả nhất.
>>> Tham Khảo: Các Biện Pháp Can Thiệp Cho Trẻ Bị Tăng Động Giảm Chú Ý
Đối với đối tượng là thanh thiếu niên, một số phương pháp tiếp cận tâm lý khác được khuyến nghị bao gồm đào tạo kỹ năng xã hội và tổ chức, liệu pháp dựa trên thiền định và liệu pháp trị liệu nhận thức (CT).
Để có chương trình can thiệp và điều trị ADHD cho trẻ hiệu quả, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần có những hiểu biết nhất định về các rối loạn phát triển phổ biến ở trẻ, cũng như có kết quả đánh giá tâm lý chính xác từ nhà tâm lý, bác sỹ, hoặc người có chuyên môn. Các kết quả chẩn đoán không chính xác hoặc đến từ những nhà chuyên môn thiếu kinh nghiệm, không có uy tín có thể để lại hậu quả lớn trong hoạt động giáo dục và phát triển của trẻ về sau.
Tham Khảo Dịch Vụ Đánh Giá Tâm Lý Trẻ Em Ở Viện Tâm Lý Việt - Pháp
Viện Tâm lý Việt - Pháp là một trong những đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ đánh giá - chẩn đoán rối loạn phát triển, tham vấn - tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em, trẻ vị thành niên hàng đầu Việt Nam. Chúng tôi làm việc với đội ngũ chuyên gia từ Việt Nam và CH. Pháp, với kinh nghiệm nhiều năm trong việc chẩn đoán, tham vấn và trị liệu cho trẻ em dưới 18 tuổi. Cùng với đó, chúng tôi cũng hợp tác với nhiều cơ sở giáo dục, trường học trong hoạt động đánh giá, tham vấn tâm lý học đường cho học sinh, đào tạo kỹ năng chuyên môn cho nhiều chuyên gia tâm lý trẻ em trên cả nước.
Một ca đánh giá tâm lý tại Viện Tâm lý Việt - Pháp thường có thời gian 3,5 đến 5h đồng hồ, với sự thực hiện của chuyên gia giàu kinh nghiệm trong phòng Đánh giá được bố trí các công cụ phù hợp. ĐẶT LỊCH ĐÁNH GIÁ - CHẨN ĐOÁN - TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO TRẺ EM VÀ TRẺ VỊ THÀNH NIÊN VỚI VIỆN TÂM LÝ VIỆT - PHÁP
Thời gian làm việc: Từ thứ Hai đến thứ Bảy
- Sáng: 8h00 - 12h00
- Chiều: 13h00 - 17h00
Viện Tâm lý Việt - Pháp rất mong được đồng hành cùng gia đình, hỗ trợ cha mẹ và con xác định và vượt qua các khó khăn tâm lý với các chuyên gia giỏi, tâm huyết, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp tại Viện.
Nếu bạn cảm thấy mình hoặc người thân đang có những triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý, hãy tới các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời, hoặc liên hệ Viện Tâm lý Việt - Pháp qua Hotline: 0977.729.396 để được tư vấn cụ thể. Can thiệp sớm là chìa khóa để cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Tham khảo:
[1] Rối loạn tăng động giảm chú ý. https://iacapap.org/_Resources/Persistent/c2568d324b4e4ab601f87bb35d4404bb21b893d4/D.1-ADHD-2020-vi-Final.pdf
[2] Tâm bệnh học. Đặng Hoàng Minh (chủ biên)
[3] Diagnostic and statistical manual of mental disorders _ DSM-5. https://repository.poltekkes-kaltim.ac.id/657/1/Diagnostic%20and%20statistical%20manual%20of%20mental%20disorders%20_%20DSM-5%20(%20PDFDrive.com%20).pdf
-----------------------------
Viện Tâm lý Việt - Pháp
Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy
Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Landmark 81 & Landmark Plus, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P. 22, Q. Bình Thạnh
Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)
Email: info@tamlyvietphap.vn