Cha Mẹ-Bạn Đời Bất Hòa: Năm Bí Quyết Giúp Bạn Xử Lý Êm Đẹp Mối Quan Hệ Này

Khi chúng ta tìm được một người đặc biệt mà chúng ta yêu thương và mong muốn dành trọn phần đời còn lại bên họ, chúng ta cũng luôn mong đợi cha mẹ mình sẽ yêu thương và quý mến họ như chúng ta. Tuy vậy, mối quan hệ giữa bạn đời của bạn và cha mẹ bạn là một mối quan hệ rất phức tạp. Thật tuyệt vời nếu mọi người hòa thuận với nhau. Nhưng nhiều khi, bạn phải đối mặt với chuyện cha mẹ bạn và bạn đời của bạn không thích hoặc không tôn trọng nhau. Nhìn chung đây là một tình huống rất nam giải và đáng buồn. Từ sự thờ ơ lạnh nhạt đến những xung đột nảy lửa, sự va chạm giữa hai bên mà bạn yêu sâu sắc sẽ năng khiến bạn - người bị kẹt ở giữa phải đau khổ và chịu những dằn vặt không đáng có (chưa nói đến cha mẹ hay vợ/chồng bạn).

Rốt cuộc thì tình yêu và hôn nhân với bạn đời hay tình cảm và sự chăm sóc của cha mẹ dành cho bạn mới là bên quan trọng hơn? Bạn cần hiểu rằng không phải mối quan hệ này tốt hơn mối quan hệ kia mà chỉ là bản chất của chúng rất khác nhau. Mỗi mối quan hệ lại mang đến những sợi dây tình cảm của riêng chúng.

Vì vậy, làm thế nào để bạn điều tiết các mối quan hệ này một cách hiệu quả và hòa hợp? Làm sao để bạn xử lý mọi chuyện một cách sáng suốt? Dưới đây là một số cách cơ bản để đối phó với tình huống này và cho phép bạn duy trì sự khách quan của bản thân trong các trường hợp phải đối mặt với cả hai bên.

Tiết Chế Sự Kỳ Vọng

Bạn nên giảm kỳ vọng của bạn rằng mọi người sẽ hòa hợp và tất cả bạn sẽ sống hạnh phúc mãi mãi. Hãy chấp nhận sự thật rằng cuộc sống không hoàn hảo và những người trong thế giới của bạn cũng vậy. Mặc dù điều này nghe có vẻ hiển nhiên nhưng chúng ta thường không chấp nhận sự không hoàn hảo ấy vì nghĩ rằng “Tại sao cha mẹ lại không yêu người mà tôi yêu?” hoặc ngược lại. Nhưng hãy hiểu rằng mỗi người là một cá thể độc lập với những suy nghĩ, cảm xúc và những lý do cá nhân riêng biệt. Trên thực tế, nếu không có bạn thì họ là những người lạ chẳng liên quan gì đến nhau. Bởi vậy không có gì lạ khi tồn tại xác suất những người lạ không ưa thích nhau.

Có nhiều lý do cơ bản khiến cha mẹ và bạn đời của bạn không hòa hợp với nhau. Ví dụ, cha mẹ bạn đôi khi không muốn “chia sẻ” đứa con yêu của mình cho một người lạ nào khác – cho dù đó là vợ/ chồng bạn. Đôi khi các bậc cha mẹ buồn rầu vì cảm thấy rằng rằng họ đang bị “thay thế” bởi một người không có quá khứ, người từ giờ trở đi sẽ gắn bó với con mình. Bạn đời của bạn cũng có thể không thích cha mẹ bạn vì cảm thấy họ can thiệp quá nhiều vào cuộc sống cá nhân của hai người hoặc bởi những khác biệt trong suy nghĩ do khoảng cách thế hệ (đôi khi chính bạn còn bất hòa với cha mẹ). Hoặc chỉ đơn giản là họ không có thiện cảm với nhau từ đầu.

Là Cầu Nối Tích Cực Giữa Hai Bên

Chia sẻ cởi mở và thẳng thắn với cha mẹ về hôn phối của bạn và ngược lại để hai bên có một mức độ thân quen và hiểu nhau trước khi gặp nhau ngoài đời. Hãy lưu ý với cả hai bên về sở thích và một số điều kiêng kị của đối phương để họ không lúng túng và tránh nhắc đến những vấn đề nhạy cảm khi gặp nhau (thậm chí còn giúp hai bên tạo ra ấn tượng tốt về nhau). Lúc này, bạn cần tinh tế và thấu hiểu cả hai để không khí được vui vẻ và hòa thuận. Nếu bạn biết trước rằng có một số điều ở một bên chắc chắn sẽ khiến bên còn lại không thoải mái (giả sử người yêu của bạn xăm hình và cha mẹ bạn không thích điều này), thì hãy thẳng thắn với cả hai ngay từ đầu. Hãy khuyến khích hai bên nỗ lực tôn trọng và cởi mở với nhau, chấp nhận nhau và nhìn nhận những mặt tốt của nhau nhiều hơn. Bạn hãy chủ động nói về chuyện này từ đầu thay vì giải thích sau khi mọi chuyện đã xảy ra bởi bạn vừa không thể giấu hai bên, vừa nên tạo bước đệm tâm lý để cả hai bên bao dung với nhau hơn. Hãy nhớ rằng mọi người không nhất thiết phải yêu mến nhau nhưng họ nên nỗ lực để hòa hợp và tôn trọng nhau vì hạnh phúc của cả gia đình.

Đặt Ranh Giới Rõ Ràng

Ranh giới ở đây là ranh giới an toàn và lành mạnh để tốt cho cả hai bên và tốt cho bạn.

Với cha mẹ và đối phương của bạn, hãy chủ động thiết lập ranh giới về những hành vi có thể chấp nhận được và những hành vi không được chấp nhận. Ít nhất, bạn đời và cha mẹ của bạn cần cư xử lịch sự và tôn trọng nhau. Xét cho cùng, nếu mỗi người đều nói rằng họ yêu bạn rất nhiều, họ cũng nên cố gắng để làm bạn hạnh phúc bằng cách kiểm soát xung đột và giảm bớt sự lo lắng và lo lắng của bạn. Thật ngạc nhiên khi điều này thường ít được xem xét hoặc bị phớt lờ hoàn toàn.

Ranh giới có thể bao gồm việc hạn chế các cuộc nói chuyện mang tính khiêu khích, hạn chế bày tỏ sự tức giận và thù địch khi gặp nhau. Tương tự như vậy, khi tham gia các sự kiện của chung (như đám cưới một người họ hàng, buổi tất niên của đại gia đình hoặc đón tiếp một người khách), hãy tạm thời cư xử hòa hoãn và lịch sự để các thành viên khác trong sự kiện không bị vướng vào xung đột hoặc tranh cãi. Đặt ra những giới hạn xung quanh con trẻ để chúng không phải chịu ảnh hưởng bởi xung đột, và sự giận dữ giữa hai người mà chúng rất yêu thương.

Còn đối với bản thân bạn thì sao?

Trước hết hãy nhớ rằng, bạn không phải là người có nghĩa vụ đi hòa giải những bất đồng giữa hai bên. Nếu họ có những quan điểm khác nhau, họ cần tự dung hòa chúng trước khi nhờ bạn phân xử. Việc đặt ra ranh giới cho bản thân bạn sẽ giúp bạn giảm bớt những sự dằn vặt và khổ tâm. Việc bạn bị lạm dụng để trở thành người hòa giải có thể sẽ khiến bạn gặp phải các vấn đề về tâm lý và lâu dần, bạn sẽ bị cuốn vào những vấn đề rắc rối mà bạn hoàn toàn không có lỗi.

Dành Thời Gian Riêng Cho Bạn Đời Và Cha Mẹ Của Bạn

Có đôi khi, những cuộc họp gia đình với sự góp mặt của cả hai bên sẽ chỉ khiến mọi mâu thuẫn thêm căng thẳng. Tuy vậy, mọi thứ có thể sẽ dễ dàng hơn nếu bạn có thời gian riêng tư để trò chuyện với từng bên. Hãy đảm bảo rằng bạn có sự quan tâm công bằng cho cả hai bên, lắng nghe và thấu hiểu cảm nhận của mỗi bên chứ không phải “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Ví dụ, việc vợ / chồng bạn không chấp thuận nhu cầu và mong muốn được về thăm gia đình của bạn chỉ vì họ không thích cha mẹ bạn thì đó không bao giờ là lý do chính đáng để hạn chế tiếp xúc với gia đình ban đầu của bạn. Hay ví dụ, cha mẹ bạn cấm bạn được đưa vợ đi hẹn hò riêng thì đó cũng không phải là cái cớ để bạn bồi đắp tình cảm với vợ. Phải thừa nhận rằng đôi khi thật khó để đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người. Nhưng điều quan trọng là phải tìm thời gian và cố gắng cân bằng cả hai bên - đặc biệt nếu bạn thực sự yêu quý họ. Bạn hãy giải thích cho mọi người lý do thực sự rằng bạn không thể bỏ rơi bên nào và tìm cách khắc phục. Ví dụ bạn có thể dẫn các con về thăm nhà cha mẹ đẻ mà không có bạn đời của mình hoặc đi du lịch riêng chỉ có hai vợ chồng.

Hãy Chú Ý Những Dấu Hiệu Đáng Ngờ

Ở khía cạnh cực đoan, hãy lưu ý đến những lý do bệnh lý hơn gây ra xung đột giữa cha mẹ bạn bạn đời của bạn. Tại sao người kia lại muốn cô lập bạn, cắt đứt bạn với bên còn lại? Liệu họ có đang lạm dụng, muốn chi phối và kiểm soát mối quan hệ các mối quan hệ của bạn một cách cực đoan không? Hay có phải vì họ muốn kiểm soát tài chính của bạn và mong được là người duy nhất sở hữu “tài sản” của bạn không? Trong trường hợp này, bạn có thể cần hỏi ý kiến khách quan từ bạn bè và những người thân thiết với bạn để xác nhận lý do tại sao bạn đời bạn và mẹ bạn không hòa hợp. Nếu có những dấu hiệu bất ổn, bạn cần nói chuyện thẳng thắn với mỗi bên để làm rõ.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn giải quyết những mâu thuẫn này một cách hợp lý và hiệu quả để có mối quan hệ êm đẹp với cả cha mẹ và bạn đời của mình.

 

Related articles

Call to Action

Don’t hesitate to contact us. Our employees will contact you again in 24 hours. Your information will strictly be restricted for us to contact you and will not be leaked to any third parties.