Bất kỳ bậc cha mẹ nào có con ở lứa tuổi vị thành niên đều biết rằng con họ sẽ có những lúc ủ rũ, xa cách và bướng bỉnh. Dù điều này đôi khi có thể là nguyên nhân gây ra căng thẳng và xung đột trong gia đình nhưng đó cũng là một điều hoàn toàn bình thường của tuổi mới lớn.
“Điều quan trọng là cha mẹ phải biết đây là hành vi hoàn toàn bình thường. Đúng, đây sẽ là một khoảng thời gian khó khăn và có thể khiến bạn bực mình. Nhưng, việc hiểu rằng hành vi của con là bình thường là điều rất quan trọng,” Laura Grubb, người phát ngôn của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) và giám đốc y học vị thành niên tại Bệnh viện Floating dành cho Trẻ em tại Trung tâm Y học Tufts, cho biết.
Trên thực tế, Grubb cho biết khoảng 85% thanh thiếu niên “vượt qua tuổi vị thành niên mà không gặp quá nhiều vấn đề”.
Nhưng còn 15% còn lại - những thanh thiếu niên có thể đang phải đối mặt với những vấn đề khác không dễ xác định - thì sao?
Làm thế nào để cha mẹ nhận ra khi nào thì con mình cần giúp đỡ?
Các chuyên gia sức khỏe tâm thần vị thành niên cho biết rằng, có 6 hành vi khác nhau cha mẹ cần chú trọng. Dưới đây là những điểm cần chú ý để cha mẹ có thể phân biệt xem điều gì được coi là “điển hình” với điều gì có thể là dấu hiệu “có nguy cơ” của một vấn đề sức khỏe tâm thần phức tạp hơn ở trẻ vị thành niên.
1. Ngủ
Hành vi điển hình của trẻ vị thành niên:
“Một điều cần hiểu về giấc ngủ đối với thanh thiếu niên là các con thực sự có đồng hồ sinh học rất khác so với trẻ em và người lớn,” Grubb giải thích.
Bà cho biết cơ thể tự nhiên của một thiếu niên muốn ngủ trong khoảng từ 1 giờ sáng đến 10 giờ sáng, “Vì vậy, chúng ta thật ra đang ép các con vào một lịch trình không phù hợp với đồng hồ sinh học tự nhiên của các con”.
Nói cách khác: Thanh thiếu niên muốn thức khuya và ngủ muộn là điều bình thường.
Hành vi có nguy cơ:
Mặt khác, nếu con của bạn thường xuyên ngủ cả ngày, cô lập bản thân với bạn bè, liên tục không dậy đi học hoặc nếu con đang gặp khó khăn với việc không thể ngủ được hoặc cần ngủ nhiều hơn 11 tiếng vào buổi đêm, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của một vấn đề nghiêm trọng hơn.
Xem Thêm: Giấc Ngủ & Trầm Cảm
2. Tâm Trạng Thất Thường Và Dễ Cáu Kỉnh
Hành vi điển hình của trẻ vị thành niên:
Tiến sĩ Vinay Saranga, một bác sĩ tâm thần trẻ em và vị thành niên ở Apex, North Carolina, giải thích: “Thỉnh thoảng trẻ vị thành niên có tâm trạng thất thường, bực bội và cáu kỉnh là điều bình thường.”
“Tuổi mới lớn là một giai đoạn chuyển tiếp và trẻ phải trải qua những cảm xúc, suy nghĩ và cảm nhận mới. Hãy hỗ trợ và cởi mở trò chuyện để con biết bạn luôn ở bên con, ” ông nói thêm.
Hành vi có nguy cơ:
Tuy nhiên, nếu tâm trạng của trẻ liên tục thất thường, nếu các con dường như không thể trải qua các hoạt động thường ngày mà không nổi đóa và đặc biệt là nếu con phản ứng bằng bạo lực, thì đây là những dấu hiệu nguy cơ không nên bỏ qua.
3. Điểm Số
Hành vi điển hình của trẻ vị thành niên:
John Mopper, một nhà tham vấn chuyên nghiệp được cấp phép và là đồng sở hữu của Blueprint Mental Health, nói rằng, thanh thiếu niên không muốn làm bài tập ở trường là điều bình thường.
Hoặc ngược lại, việc con thể hiện “những căng thẳng về điểm số, lo lắng về kỳ thi và tác động của điểm số đối với tương lai của con” cũng là điều bình thường.
Hành vi có nguy cơ:
Tuy nhiên, ông cũng giải thích rằng tất cả điều này sẽ trở nên đáng quan ngại hơn nếu thanh thiếu niên đang biểu lộ nỗi lo âu thực sự về bài tập ở trường.
Nếu con bạn không thể tập trung học, ngay cả khi con đang lo lắng về điểm số của mình, nếu con khó ngủ vì nghĩ quá nhiều về bài tập ở trường, hoặc nếu con không thể điều tiết được cảm xúc của mình về trường lớp, những điều này cho thấy dấu hiệu tiềm ẩn của một vấn đề cần được quan tâm.
Cùng với đó, việc điểm số của trẻ không ổn định hoặc trẻ không quan tâm đến điểm số hay hoặc không làm một số lượng bài tập lớn cũng là những điều đáng xem xét.
4. Hành Vi Nổi Loạn
Hành vi điển hình của trẻ vị thành niên:
“Một số hành vi thách thức là bình thường và lành mạnh,” Mopper nói.
“Việc muốn vượt ra khỏi lẽ thường, chống lại các khuôn phép gia đình, đôi khi gặp rắc rối ở trường,” tất cả những điều này, ông giải thích, có thể khá phổ biến đối với thanh thiếu niên.
Hành vi có nguy cơ:
Tuy nhiên, trẻ có thể đang gặp một vấn đề nghiêm trọng hơn khi con bắt đầu thể hiện hành vi nổi loạn cực đoan hơn như vi phạm pháp luật hoặc thường xuyên phải đối mặt với việc bị quản thúc và đình chỉ học.
Nếu hành vi nổi loạn của trẻ vị thành viên đe dọa ảnh hưởng đến tương lai của con thì đã đến lúc tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài.
5. Thử Uống Rượu Bia
Hành vi điển hình của trẻ vị thành niên:
Các chuyên gia đồng ý rằng mặc dù cha mẹ có thể không thích điều này, nhưng hầu hết trẻ sẽ thử uống rượu bia trước khi con đủ 21 tuổi. Và điều này cũng thường đúng với việc sử dụng thuốc lá.
Saranga nói: “Đây là lý do tại sao việc nói chuyện cởi mở với con bạn về áp lực đồng đẳng cũng như sự nguy hiểm của chất kích thích và rượu bia là rất quan trọng.”
Hành vi có nguy cơ:
Mặc dù chỉ thử một chút có thể không sao, nhưng mọi chuyện sẽ trở nên đáng lo ngại nếu con bạn uống quá nhiều hoặc sử dụng chất kích thích và rượu bia thường xuyên, cho dù đó là ở những bữa tiệc cuối tuần hay để tự ứng phó với các vấn đề như lo âu và trầm cảm.
Xem Thêm: Đồ Có Cồn & Trầm Cảm
6. Nói Dối Hoặc Không Chia Sẻ
Hành vi điển hình của trẻ vị thành niên:
Không có gì lạ khi thanh thiếu niên tỏ ra hơi bí mật và muốn có chút riêng tư khỏi cha mẹ khi đề cập đến các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của họ.
Việc các con muốn tự mình đưa ra các quyết định hàng ngày mà không có ý kiến của cha mẹ cũng là điều bình thường - đó có thể là lý do tại sao một số thanh thiếu niên thỉnh thoảng chọn không chia sẻ với bố mẹ với một số việc.
Hành vi có nguy cơ:
Điều này trở thành một dấu hiệu đáng quan ngại nếu hành vi này phát triển thành nói dối bệnh lý hoặc khi thanh thiếu niên bắt đầu nói dối để che giấu các hành vi liều lĩnh hoặc nguy hiểm.
Vì Sao Chúng Ta Cần Cởi Mở Chia Sẻ Với Con Cái Thường Xuyên Từ Sớm?
Các hành vi nguy cơ đôi khi có thể được ngăn ngừa bằng cách nói chuyện với thanh thiếu niên trước khi mọi việc trở nên đáng lo ngại.
Nếu bạn là cha mẹ và nhận thấy một số dấu hiệu đáng lo ngại, Grubb nói rằng bạn nên ngồi xuống với con bạn và cho con biết điều đó.
“Đừng buộc tội và đừng sử dụng ngôn từ bêu xấu như “hư,” hoặc “dốt,” bà nói. “Thay vào đó, chỉ cần cho con biết những gì bạn đã nhận thấy và bạn đang lo lắng cho con.”
“Hãy nói những câu như ‘Có vẻ như dạo này con đang không vui, bố/mẹ có thể giúp gì cho con không?’ hoặc ‘Con có điều gì muốn nói với bố/mẹ không?’” bà nói thêm.
Theo Mopper, điều quan trọng là phải giữ một cái đầu lạnh.
Ông nói rằng cha mẹ đôi khi để cho nỗi lo lắng của chính họ về con cái lấn át, và điều đó có thể cản trở một cuộc trò chuyện bình tĩnh và hợp lý.
Ông nói: “Họ có thể bắt gặp con họ đang hút thuốc và lo lắng rằng cuối cùng con sẽ nghiện nicotine, rồi ngay lập tức gửi con đến một chương trình dân sự kéo dài 90 ngày. Cha mẹ cần kiểm soát cảm xúc của chính họ trước tiên và có một cuộc trò chuyện cởi mở và sẻ chia với con cái của họ.”
Khi Nào Bạn Cần Tìm Sự Hỗ Trợ Cho Hành Vi Đáng Lo Ngại Của Con?
Saranga nói: “Bất cứ lúc nào cha mẹ cảm thấy họ thực sự không biết phải làm gì, đó là thời điểm tốt để tham khảo chuyên gia.”
Điều này đặc biệt đúng bất cứ lúc nào có họ lo ngại về sự an toàn của con.
Ngay cả khi cha mẹ không chắc liệu sự thay đổi trong hành vi của con cái họ có phải là điều mà họ nên lo lắng hay không, Mopper cho biết việc liên hệ với một nhà trị liệu không bao giờ là thừa.
Các bậc cha mẹ đang lo lắng cũng có thể thử liên hệ với bác sĩ nhi khoa hoặc nhà tham vấn học đường của con mình để được giúp đỡ.
“Những hành vi này có thể được thay đổi bằng cách phát triển những kỹ năng còn thiếu và học cách chia sẻ cởi mở trong những buổi chia sẻ trong gia đình,” Mopper giải thích.
Ông nói: “Tôi đã chứng kiến nhiều đứa trẻ thực sự gặp khó khăn khi chỉ mới 14 tuổi.
Tuổi mới lớn có thể thách thức, và trẻ em ngày nay phải đối mặt với rất nhiều điều khó khăn. Nhưng đồng thời, hiện nay cũng có nhiều nguồn và lựa chọn có thể hỗ trợ các gia đình nhiều hơn so với trước đây.
Grubb cũng chỉ ra rằng trong nhiều trường hợp, cha mẹ có thể có được tầm nhìn quan trọng bằng cách đơn giản là dành một chút thời gian để nhớ về chính họ ở độ tuổi tương tự.
“Tôi nghĩ điều quan trọng là cha mẹ phải nhớ về bản thân họ khi ở độ tuổi đó, vì tất cả người trưởng thành đều đã tốt nghiệp tuổi vị thành niên,” bà nói.
Nguồn: Is This Typical Teenage Behavior or a Warning Sign of Mental Illness? Healthline
Có Thể Bạn Muốn Đọc: